Thứ Hai, ngày 16 tháng 9 năm 2024

Thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ tình hình kinh tế - xã hội còn những khó khăn, thách thức. Trong đó, sức ép lạm phát còn cao, nhất là do giá dầu thô, lương thực biến động mạnh; tình hình thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới còn nhiều rủi ro; dự báo tăng trưởng, thương mại, đầu tư toàn cầu mặc dù có xu hướng phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình hình sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; tiếp cận vốn tín dụng còn khó. Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; việc triển khai gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội rất chậm; vẫn còn 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao hơn, kiểm soát tốt nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia. Quan điểm chỉ đạo chung là tháng sau đạt kết quả cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thành quả năm 2024 nhiều hơn, bao trùm hơn, toàn diện hơn năm 2023.

Thủ tướng chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do Nhà nước quản lý (giáo dục, y tế); kiên quyết không để thiếu, bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống.

Thủ tướng cũng yêu cầu quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Khẩn trương phân bổ 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại. Bộ Giáo dục-Đào tạo chuẩn bị tốt cho năm học mới, không tăng giá sách giáo khoa trong lúc này; bảo đảm vệ sinh, an toàn học đường; phòng chống đuối nước ở trẻ em…

Thủ tướng lưu ý quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc liên quan thể chế, tập trung thi hành tốt các luật mới được ban hành và đã có hiệu lực như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các Tổ chức tín dụng. Các bộ, ngành phải hướng dẫn cụ thể hơn nữa, các địa phương phải chủ động, tích cực hơn nữa.

Chiều 5/8, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ.

Liên quan đến tình hình đăng ký tuyển sinh đại học năm nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, năm nay có khoảng trên 733.000 thí sinh (trên tổng số hơn 1 triệu em đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT) đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Tỷ lệ này khá cao, đạt 68,5% trong khi 2 năm trước đây, tỷ lệ này là 66,5% và khoảng 64%.

Thứ trưởng cũng cho biết, xu hướng lựa chọn các ngành học, các lĩnh vực đào tạo phản ánh thông qua tỷ lệ nguyện vọng của các em. Tương tự như mọi năm, có khoảng gần 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực Khoa học đào tạo giáo viên tăng 85% so với 2023; lĩnh vực khoa học tự nhiên số lượng nguyện vọng tăng 61%. Trong khi đó, có một số lĩnh vực giảm, như kinh doanh quản lý giảm 3%; máy tính và CNTT giảm khoảng 5%, tương đương 15.000 nguyện vọng. Tổng thể, khối STEM số nguyện vọng chiếm khoảng 30%; ngành thiết kế vi mạch bán dẫn tăng khoảng 30%.

Tại đây, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an cũng đã thông tin về diễn biến điều tra của một số vụ án liên quan đến Tập đoàn Thái Dương, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và vụ án liên quan đến bà Nguyễn Thị Như Loan (Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai).

Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, về vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị liên quan, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 26 bị can, tách vụ án và kết luận điều tra đối với 1 bị can. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đang điều tra đối với 25 bị can về 4 tội danh: Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Buôn lậu, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Về sai phạm của ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường  (bị khởi tố ngày 22/7/2024 về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"), ông Ngọc dù biết rõ Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương chưa đủ điều kiện để cấp phép, nhưng vẫn đánh giá là đủ điều kiện và đề xuất, ký ban hành Giấy phép khai thác khoáng sản, giao nguồn tài nguyên đất hiếm cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương khai thác, dẫn đến Công ty Thái Dương đã khai thác trái phép, gây thất thoát khoáng sản của Nhà nước với trị giá ước tính trên 600 tỷ đồng. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan trong vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ TN-MT và các đơn vị liên quan, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 17 bị can về các tội danh: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vừa qua, ngày 18/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

 Bà Loan có dấu hiệu thông đồng với Lê Y Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Retro Harvest Finance; Đặng Phước Dừa, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Việt Tín và các cá nhân thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, ký kết các văn bản thỏa thuận, hợp tác đầu tư, chuyển nhượng vốn góp để thâu tóm 100% vốn góp tại khu đất từ Tập đoàn Cao su Việt Nam không qua đấu giá, trái với quy định của pháp luật để bán cho Công ty Cổ phần bất động sản Thịnh Vượng, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo