Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thu hút đầu tư xã hội hoá trong phát triển phương tiện giao thông công cộng

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên giải trình

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 15/11, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên giải trình về tình hình vận hành và phát triển hệ thống xe buýt trên địa bàn TPHCM. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ chủ trì phiên giải trình.

Khối lượng vận tải hành khách công cộng giảm

Báo cáo tại phiên giải trình, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm cho biết: Tính đến tháng 8/2019, TP có 137 tuyến xe buýt, trong đó, có 99 tuyến xe buýt có trợ giá và 38 tuyến xe buýt không trợ giá. Mạng lưới tuyến xe buýt có trợ giá hiện nay đa số là các tuyến hướng tâm (42 tuyến, chiếm khoảng 42% tổng số tuyến) và xuyên tâm (21 tuyến, chiếm khoảng 21% tổng số tuyến) kết nối các quận, huyện với vùng lõi trung tâm TP (Quận 1, 3, 5). Điều này phù hợp với thực tế hiện nay do mạng lưới tuyến thiếu các điểm trung chuyển hành khách, làm cho mật độ tuyến tập trung ở các khu vực trung tâm, đặc biệt là các điểm trung tâm TP như Bến Thành và Bến xe Chợ Lớn và cũng làm giảm khả năng tiếp chuyển của mạng lưới tuyến.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm cũng thừa nhận hiện nay, TP đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động xe buýt còn chậm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn lực bố trí hàng năm cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện công tác duy tu, vị trí bố trí không phù hợp và thuận tiện cho tổ chức các tuyến xe buýt kết nối và trung chuyển. Bên cạnh đó, một số quận, huyện chưa thực hiện rà soát, bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch trong quá trình lập mới, điều chỉnh bổ sung của các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000; tổ chức làn dành riêng, ưu tiên cho xe buýt hoạt động khó triển khai và không tạo được đồng thuận của người dân…

Báo cáo kết quả khảo sát về vấn đề giao thông công cộng của TP, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Trương Trung Kiên cho biết: 8 tháng đầu năm 2019, khối lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trợ giá ước đạt hơn 131 triệu lượt, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2018 và chỉ mới đạt 51% kế hoạch năm 2019. “Nhìn chung, sản lượng hành khách giảm có nguyên nhân chi phí thu về không đủ để vận hành nên các đơn vị vận tải có tình trạng bỏ tuyến, giảm chuyến, rút thời gian hoạt động, kéo dài giãn cách tuyến, hoạt động cầm chừng. Có tuyến còn có nguy cơ ngưng hoạt động”- Trưởng ban Đô thị HĐND TP Trương Trung Kiên cho hay.

Tại phiên giải trình, đa số các đại biểu cho rằng TP cần quy hoạch mạng lưới tuyến, bến bãi, trạm dừng đồng bộ và phủ kín; cần có các chính sách, cơ chế liên quan hoạt động xe buýt, đặc biệt là thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng; cần điều chỉnh phương thức trợ giá phù hợp thực tế để đảm bảo hoạt động xe buýt được hiệu quả; tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.

Ngoài ra, cần dành quỹ đất cho loại hình xe buýt, đầu tư đúng mức và định hướng lâu dài; tiếp tục triển khai thực hiện các dự án xây dựng bến bãi theo hình thức hợp tác công tư PPP. Các khu đô thị mới cần quy hoạch, thiết kế đảm bảo các lối tiếp cận thuận tiện cho người dân sử dụng xe buýt…

Cần thay đổi phương thức trợ giá xe buýt

Tại phiên giải trình, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm kiến nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận, huyện lưu ý khi lập quy hoạch các khu đô thị mới cần phải thiết kế theo quan điểm ưu tiên bố trí hạ tầng cho giao thông công cộng, hạn chế giao thông cá nhân đối với các dự án; Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng tại các khu dân cư mới, khu đô thị, trung tâm thương mại, khu du lịch, các khu chế xuất, khu công nghiệp và trường học. Đồng thời từng bước hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân với các giải pháp trực tiếp và gián tiếp…

Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm báo cáo tại phiên giải trình Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm báo cáo tại phiên giải trình

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, UBND TP sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt về trợ giá, xã hội hoá để kêu gọi đầu tư, hỗ trợ đổi mới phương tiện thân thiện với môi trường; tập trung rà soát lập, phê duyệt quy hoạch và triển khai sử dụng đất tại các quận, huyện trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất dành cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng. TP cũng sắp xếp mạng lưới, tuyến xe buýt phù hợp nhu cầu đi lại của người dân tại từng khu vực, từng thời điểm; tăng cường tổ chức các xe buýt kết nối các khu dân cư mới, trường học, trung tâm thương mại, khu chế xuất, khu công nghiệp, đặc biệt là các tuyến vòng theo tuyến quốc lộ, vành đai…

Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP cần thay đổi phương thức trợ giá xe buýt, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, khách quan trong phân phối để chi phí cho các doanh nghiệp vận hành; cần sớm xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và các giải pháp công nghệ cao trong quản lý kiểm soát vận hành hệ thống xe buýt và hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích tạo điều kiện cho người dân sử dụng phương tiện xe buýt một cách dễ dàng, thuận lợi và an toàn.

Bên cạnh đó, các sở, ban ngành liên quan phối hợp UBND quận, huyện rà soát đánh giá quỹ đất công tác quy hoạch dành cho giao thông công cộng; tập trung nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ cho phương tiện xe buýt; xây dựng các chính sách, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về thủ tục để thu hút đầu tư xã hội hoá trong phát triển phương tiện giao thông công cộng, đảm bảo hoạt động xe buýt hiệu quả, từng bước khôi phục và phát triển hệ thống xe buýt…

Long Hồ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo