Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của TPHCM

Đồng chí Cao Thanh Bình điều hành chương trình.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 9/10, HĐND TPHCM phối hợp Đài truyền hình TPHCM và Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM thực hiện chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” số tháng 10 với chủ đề “Phát huy giá trị lịch sử - Văn hoá trong phát triển du lịch tại TPHCM”. Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình điều hành chương trình. Tham gia chương trình có: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng…

Xây dựng các chương trình du lịch kết nối các điểm tham quan đặc sắc

Tại chương trình, các đại biểu cho rằng TP cần giải pháp để khai thác tiềm năng kinh tế du lịch từ giá trị di sản; cần đánh giá hiệu quả việc triển khai các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của từng địa phương trong thời gian qua...

Trao đổi về triển khai chương trình "Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng", Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, trong Chiến lược phát triển du lịch TP đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Sở Du lịch tham mưu xác định sản phẩm du lịch văn hoá - lịch sử là một trong các sản phẩm chính của du lịch TP và Sở Du lịch sẽ tham mưu kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch văn hoá lịch sử giai đoạn 2023 – 2025 và 2026 – 2030 sau khi chiến lược được công bố.

Trong thời gian trước mắt, Sở phối hợp với chuyên gia du lịch, doanh nghiệp du lịch và quận, huyện, TP Thủ Đức xây dựng các chương trình du lịch kết nối các điểm tham quan đặc sắc từ các quận, huyện và TP Thủ Đức theo các hướng sau: sản phẩm theo vùng địa lý liên kết các điểm đến ở gần nhau; sản phẩm theo chủ đề về văn hoá như chương trình tham quan các di tích gắn các nghi lễ, văn hoá dân gian, sản phẩm theo chủ đề về lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của Sài Gòn - Gia Định - TPHCM; các sản phẩm theo loại hình như du lịch MICE, du lịch ban đêm, du lịch lễ hội và sự kiện lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, Lễ hội Tết Nguyên Tiêu của người Hoa Quận 5, Lễ Khai hạ cầu an tại Lăng Ông Tả Quân Lê Văn Duyệt…

Đối với các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Quận 1, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Mai Thị Hồng Hoa cho biết, hiệu quả triển khai các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Quận 1 trong thời gian qua đã có những kết quả đạt được bước đầu. Trước tiên, trải nghiệm của du khách về giá trị lịch sử, văn hóa,… đã khơi gợi sâu sắc hơn tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc. Mặt khác, các cơ sở di tích có sự đầu tư, chăm chút hơn về nội dung và hình thức đón các đoàn khách đến tham quan; đồng thời, có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.

Đối với huyện Củ Chi, để phát triển hiệu quả loại hình du lịch đường sông, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Thị Hằng kiến nghị TP điều chỉnh quy hoạch 10 phân khu ven sông Sài Gòn hiện đang được quy hoạch khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn sang quy hoạch khu đô thị sinh thái thông minh và tăng chỉ tiêu dân số khu vực này lên 200.000 dân, tăng tỷ lệ đất ở lên 30 - 40% để thu hút đầu tư xây dựng và phát triển du lịch sinh thái phục vụ cho du khách tham quan cũng như phát huy hiệu quả những thuận lợi của huyện Củ Chi để phát triển du lịch.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu tham gia chương trình. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu tham gia chương trình.

Kế thừa và sáng tạo nghệ thuật dân gian, dân tộc

Tại chương trình, các đại biểu cũng cho rằng, sau khi Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO ghi danh đến nay, TP đã thực hiện các biện pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

TP hiện nay là nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa phi vật thể của các tộc người mà chủ thể sáng tạo và thực hành là những thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ tài hoa. Đây còn là một trong những nguồn nội lực quan trọng trên lộ trình giao lưu và hội nhập quốc tế của TP. Vì vậy, cần có những hành động cụ thể để giúp nghệ sĩ, nghệ nhân tiếp tục phát huy trí tuệ, tài năng của họ đóng góp vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa đặc thù của một đô thị ở phương Nam…

Trao đổi về phát triển sản phẩm du lịch “không ngủ” gắn với phát triển kinh tế ban đêm, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, Sở sẽ phối hợp Sở Văn hoá - Thể thao TP tham mưu UBND TP đầu tư xây dựng một số thương hiệu nghệ thuật đặc trưng phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí về đêm của nhân dân và du khách như nghệ thuật đường phố, các show mang đậm màu sắc văn hoá địa phương kết hợp với một số tuyến đường đi bộ tiêu biểu… Nghiên cứu chọn địa điểm, phân loại đối tượng du khách, đơn vị thực hiện để tổ chức chương trình biểu diễn phù hợp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng văn hoá nghệ thuật của TP.

Đồng thời, kết nối doanh nghiệp du lịch và các đơn vị sự nghiệp văn hoá để cùng hình thành các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các chương trình tái hiện các nghi lễ văn hoá dân gian, di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam phục vụ khách du lịch, nhằm vừa đảm bảo giữ gìn và phát huy văn hóa vừa tạo ra sản phẩm du lịch, gia tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu tham mưu cơ chế khuyến khích hợp tác đầu tư, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng các điểm biểu diễn chuyên nghiệp, đảm bảo chương trình biểu diễn định kỳ phục vụ người dân và khách du lịch. Ngoài ra, phối hợp tổ chức quảng bá các di sản văn hoá, lễ hội dân gian… đến du khách trong và ngoài nước một cách chuyên nghiệp, thường xuyên dưới nhiều hình thức đa dạng và ứng dụng công nghệ trong công tác quảng bá.

Đồng chí Cao Thanh Bình cùng các đại biểu giám sát thực tế tại di tích lịch sử khảo cổ học “Lò gốm Hưng Lợi Quận 8”. Đồng chí Cao Thanh Bình cùng các đại biểu giám sát thực tế tại di tích lịch sử khảo cổ học “Lò gốm Hưng Lợi Quận 8”.

Nghiên cứu quản lý di tích chặt chẽ và tốt hơn

Trao đổi về các di tích khảo cổ học được công nhận di tích khảo cổ học Quốc gia bị xoá sổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, hiện nay huyện đề ra các giải pháp để người dân không xâm hại đến di tích như: tuyên tuyền vận động người dân không đào bới hay canh tác trồng trọt những loại cây lâu năm làm ảnh hưởng đến di tích. Đồng thời, huyện bố trí người chăm sóc, bảo vệ di tích, nghiêm cấm người dân không xâm hại đến di tích, và báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương giải quyết khi có hoạt động xâm hại di tích.

Đối với Khu di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi, Quận 8, Phó Chủ tịch UBND TP Phạm Quang Tú cho biết, trong thời gian tới Quận 8 tập trung các giải pháp cụ thể: Chỉ đạo củng cố hồ sơ pháp lý, làm rõ nguồn gốc diện tích 836m2 là đất công để người dân biết không tiếp tục tranh chấp và khiến kiện, khiếu nại; soạn thảo nội dung phát thanh tuyên truyền Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Luật hình sự về xử lý tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng Di tích Lịch sử - Văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của việc bảo vệ Di tích khảo cổ học cấp Quốc gia qua hệ thống loa phát thanh của Phường 16…

Chia sẻ thêm về di tích lịch sử khảo cổ học “Lò gốm Hưng Lợi Quận 8”, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thuý cho biết, thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao TP phối hợp Quận 8 và các đơn vị liên quan xây dựng Đề án quản lý di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi. Đồng thời, tham mưu cho UBND TP nghiên cứu việc ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý di tích giữa ngành chức năng và các địa phương để công tác quản lý các di tích trên địa bàn TP được chặt chẽ và tốt hơn.

Các du khách tham quan địa đạo Củ Chi. Các du khách tham quan địa đạo Củ Chi.

Kết luận tại chương trình, Trưởng ban Văn hoá và Xã hội HĐND TP Cao Thanh Bình đề nghị UBND TP cần khắc phục những yếu kém tồn tại ảnh hưởng đến việc thu hút du khách liên quan đến các vấn đề về: cơ sở hạ tầng giao thông; bến bãi, công trình tiện ích, chất lượng nguồn nhân lực, các cơ chế chính sách hỗ trợ, công tác quảng bá, tổ chức sự kiện gắn kết các hoạt động du lịch di sản vật thể và phi vật thể, qua đó từng bước hoàn thiện hơn nữa về mọi mặt nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch di sản trên địa bàn TP.

Đồng thời, tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch di sản thành sản phẩm du lịch đặc trưng của TPHCM. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá giá trị của các tài nguyên du lịch di sản; xác định rõ ràng và nhất quán du lịch di sản là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của TP trong các chiến dịch quảng bá xúc tiến. Tăng cường giới thiệu các chương trình hành trình di sản trong các ấn phẩm, tài liệu quảng bá du lịch của TP, tăng cường quảng bá và phát huy giá trị các di sản phi vật thể, các loại hình nghệ thuật đặc sắc trên địa bàn TP.

Ngoài ra, đẩy mạnh nâng cao nhận thức của người dân TP về vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch, giúp cộng đồng có ý thức hơn trong việc trân trọng và giữ gìn di sản. Chú trọng làm rõ cho cộng đồng nhận thức về phương châm lấy di sản văn hóa đô thị để phát triển du lịch và ngược lại phát triển du lịch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đô thị…

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo