Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thị trường chứng khoán cần có sự phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức đánh cồng kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM. (Ảnh: VGP)

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 20/7, tại TPHCM, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động Thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết: Sau 20 năm kể từ ngày đi vào vận hành, Thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, từ một Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM cách đây 20 năm, đến nay, Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và một Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cùng nhau vận hành các hệ thống giao dịch, lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán một cách thông suốt, an toàn, góp phần thúc đẩy thanh khoản và hiệu quả của thị trường.

Đồng thời, quy mô của thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng vượt bậc và đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp (DN) và cho Chính phủ. Trong đó, thị trường cổ phiếu khởi nguồn có 2 DN niêm yết ban đầu thì đến nay đã có trên 1.600 DN niêm yết và đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa gần 4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP. Nhiều DN đã huy động được một lượng vốn lớn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, Thị trường chứng khoán đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Từ năm 2005 đến nay, 2 Sở Giao dịch Chứng khoán đã tổ chức 1.089 cuộc đấu giá để cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước cho DN nhà nước. Rất nhiều DN sau khi đấu giá cổ phần hóa đã thực hiện niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán và tiếp tục phát triển hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Thị trường chứng khoán đã thu hút ngày càng đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, từ mức 3.000 tài khoản năm 2000 lên mức 2,5 triệu tài khoản trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, có khoảng 33.000 tài khoản của các tổ chức và cá nhân nước ngoài với tổng giá trị chứng khoán nắm giữ tương đương gần 35 tỷ USD tính đến 30/6/2020.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Thị trường chứng khoán là bộ phận quan trọng của kinh tế thị trường, với vai trò là một kênh huy động vốn quan trọng và hiệu quả của nền kinh tế, là một cửa sổ hội nhập, liên thông với các thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. “Chúng ta rất tự hào, Thị trường chứng khoán Việt Nam non trẻ đã kiên cường vượt qua mọi thử thách của nhiều cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, suy thoái kinh tế khu vực, toàn cầu. Đặc biệt là trước những tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong thời gian gần đây và được đánh giá là một trong những thị trường hồi phục nhanh nhất và ổn định nhất trong khu vực” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Về định hướng phát triển Thị trường chứng khoán thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phân tích: Thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới cần có sự phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn với hệ thống tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển hệ thống doanh nghiệp hiệu quả hơn nữa, bền vững hơn nữa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: VGP) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: VGP)

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các bộ, ngành địa phương sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính - tiền tệ nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Phối hợp chặt chẽ để bảo đảm sự phát triển nhịp nhàng, đồng bộ các thị trường chứng khoán, tiền tệ và bảo hiểm. Các bộ, ngành được giao thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển nhanh quy mô chất lượng của thị trường. Trong đó, đẩy nhanh cổ phẩn hoá DN Nhà nước gắn với niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán, thúc đẩy các DN tư nhân niêm yết, tăng cường công khai, minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư áp dụng các chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, cần sớm hoàn thiện cơ cấu tổ chức thị trường chứng khoán bảo đảm hạ tầng kỹ thuật; tăng cường năng lực và tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Tập trung đổi mới hệ thống công nghệ thông tin; chủ động hội nhập với thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán khu vực, quốc tế. Bảo đảm tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực tốt nhất.

Bên cạnh đó, phấn đấu sớm nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi; đưa Thị trường chứng khoán Việt Nam thành điểm đến an toàn, tin cậy, hiệu quả của các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư lớn trong khu vực, toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu, trong năm nay, phải ban hành đồng bộ hệ thống Nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tiến đến nghiên cứu sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng và các Luật, Nghị định liên quan trong những năm tiếp theo.

Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM.

Hải Liên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo