Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Hội Trọng tài thương mại TPHCM

Thêm kênh giúp giải quyết nhanh tranh chấp thương mại

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) – Hội Trọng tài thương mại TPHCM (HCCAA) ra mắt tháng 1/2018 theo Quyết định số 5994/QĐ-UBND TP của UBND TPHCM. Đây là mô hình đầu tiên trong cả nước được kỳ vọng giải quyết những tranh chấp phát sinh trong các hợp đồng kinh tế thương mại của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp với thủ tục nhanh gọn, đảm bảo sự riêng tư so với phương thức giải quyết bằng tòa án.


Cách thức hoạt động của hình thức này ra sao? Yếu tố gì đảm bảo tính thực thi của phán quyết từ Hội Trọng tài thương mại TPHCM? Cộng tác viên Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TPHCM.

* Phóng viên: Thưa Luật sư Nguyễn Văn Hậu, nguyên tắc hoạt động của Hội Trọng tài thương mại TPHCM như thế nào?

- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực từ 1/2011. Đây là một trong các hình thức bổ trợ tư pháp bao gồm luật sư, công chứng, thừa phát lại, đấu giá, khoản tài viên… Trọng tài thương mại sẽ giải quyết những vấn đề tranh chấp giữa doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, thương mại với phương thức nhanh gọn, kín đáo và sẽ được thi hành án ngay khi ra phán quyết.

TPHCM có số lượng lớn doanh nghiệp, hằng ngày phát sinh nhiều tranh chấp, vướng mắc. Nếu chọn kênh giải quyết bằng Tòa án thì thời gian kéo dài, đòi hỏi nhiều thủ tục, quy trình từng bước. Ví dụ xử sơ thẩm, xử phúc thẩm, trường hợp cấp phúc thẩm ban hành bản án mà trong đó vi phạm pháp luật có những tình tiết mới mà Hội đồng xét xử chưa xem xét hết, cần xử cấp nữa là giám đốc thẩm. Quy trình này đôi khi sẽ mất thời gian cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

TPHCM có 14 tổ chức trọng tài thương mại, trong đó có 12 trung tâm trọng tài thương mại và 2 chi nhánh trung tâm trọng tài thương mại. Về số lượng, có 300 trọng tài viên trong đó có trọng tài viên người nước ngoài. 30% trọng tài viên có trình độ tiến sỹ, 15% có trình độ thạc sỹ, 50% còn lại đa phần là các luật sư.

Vì vậy, Hội Trọng tài TP ra đời với mục đích kết nối các trung tâm, các trọng tài viên để hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn theo tinh thần của đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020 do UBND TPHCM ban hành.

* Phóng viên: Yếu tố kín đáo và thi hành ngay như ông đề cập được thể hiện ra sao trong quy trình giải quyết tranh chấp, có thể cho ví dụ cụ thể, thưa ông ?

- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tranh chấp về trả nợ chẳng hạn. Trọng tài thương mại giải quyết chỉ khoảng 15 ngày, hơn nữa còn đảm bảo tính kín đáo, bí mật cho cá nhân, doanh nghiệp, nhất là liên quan đến sở hữu trí tuệ, công thức hay bí quyết kinh doanh… Nếu xử công khai ở tòa án thì bất lợi cho doanh nghiệp đó. Chưa kể thông tin đồn thổi cũng sẽ không có lợi cho doanh nghiệp trên thương trường.

Tôi ví dụ có những tranh chấp giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trước đây để giải quyết phải nhờ đến trọng tài thương mại tận Singapore. Trong đó chi phí vé máy bay, đi lại, chi phí theo đuổi tranh chấp, kiện tụng ở Singapore còn nhiều hơn giá trị ký kết giữa hai bên. Thế nên các trung tâm trọng tài tại Việt Nam được xem là kênh giải quyết các tranh chấp với mục đích nhanh, gọn, tiết kiệm cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

* Phóng viên: Nguyên tắc hoạt động của trọng tài quốc tế là khi giải quyết phải có sự đồng thuận của hai bên, trong trường hợp chỉ 1 bên đưa ra còn bên kia không, sẽ giải quyết thế nào?

- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Đúng là khi giải quyết cần phải có sự đồng thuận hai bên. Điều này hiện nay đa phần trong các hợp đồng kinh tế, hai bên đều có ghi rõ. Xin nói rõ thêm, hai bên có thể chọn 1 trọng tài theo ý mình, rồi từ trọng tài đó sẽ yêu cầu trung tâm chọn người thứ ba đứng vai trò chủ tịch tham gia giải quyết tranh chấp.

* Phóng viên: Đặt trường hợp khi ra phán quyết, một trong hai phía không thi hành đúng thì quy trình tiếp theo như thế nào, thưa luật sư?

- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014, quy định rất rõ: Bản án quyết định của trọng tài phải được đảm bảo thực thi. Nếu một trong 2 bên không thi hành, sẽ tiến tới cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật  thông qua cơ quan thi hành án.

Xin cảm ơn ông

Nhật Minh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo