Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo và phát triển nhân lực du lịch

Sinh viên ngành Du lịch Trường ĐH Văn Hiến thực tập tại doanh nghiệp

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 2/8, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Trường Đại học (ĐH) Văn Hiến phối hợp với Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tổ chức.

Tham dự có PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ; TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch; cùng đại diện Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành và đông đảo các doanh nghiệp du lịch lữ hành; các chuyên gia, giảng viên trong và ngoài nước.

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên...

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang là thách thức cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch lữ hành cũng như hệ thống cơ sở đào tạo ngành học này.

Theo PGS.TS Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, trong những năm gần đây, ngành du lịch nước ta đã thu hút hàng chục triệu du khách nước ngoài, nhanh chóng nâng cao tỷ trọng thu nhập GDP của nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, ngành Du lịch Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ về nhiều mặt, trong đó lớn nhất là vấn đề về xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhìn chung ngành du lịch vẫn trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn hội nhập toàn cầu.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ đào tạo, Bộ VHTTDL nhận định, mặc dù nguồn nhân lực du lịch được quan tâm và phát triển mạnh trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn có những bất cập, hạn chế, cần được quan tâm giải quyết. Đó là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực theo các vùng miền, địa phương; mất cân đối trong cơ cấu nhân lực theo ngành nghề, lĩnh vực, cấp độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.

“Hiện nay, du lịch Việt Nam đang thiếu đội ngũ cán bộ cấp cao ở cả khối doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp, khối quản lý nhà nước, các lĩnh vực quy hoạch, hoạch định chính sách chiến lược và khối sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu về du lịch. Thiếu hụt nhân lực quản trị cấp cao, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh khách sạn, khu resort... đang là vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Theo đó, tại hầu hết các doanh nghiệp, tập đoàn khách sạn lớn hoặc có yếu tố nước ngoài, đội ngũ quản lý cấp trung và cấp cao phần lớn là người nước ngoài”, PGS.TS Lê Anh Tuấn tâm tư.

Cũng tại hội thảo, các diễn giả cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, với xu thế phát triển du lịch thông minh, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực du lịch,… nhân lực du lịch cần phải được đào tạo và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng với yêu cầu mới, song song đó, việc nghiên cứu để phát triển các ngành nghề và lĩnh vực mới thích ứng với du lịch thông minh thời 4.0 là vấn đề cấp bách hiện nay.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng để phát triển nguồn nhân lực du lịch, cần tập trung các nguồn lực, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các chủ thể liên quan trong đào tạo và phát triển nhân lực du lịch. Đồng thời, cần phải cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật, các kế hoạch, đề án cụ thể thích ứng với từng thời kỳ nhằm phát huy hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch đã được ban hành.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo