Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tạo thuận lợi thương mại vực dậy doanh nghiệp sau ảnh hưởng COVID-19

Lực lượng hải quan kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu

(Thanhuytphcm.vn) - Đánh giá các tác động ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong 2 tháng đầu năm 2020, Cục Hải quan TPHCM cho biết, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của Cục Hải quan TPHCM đạt 15.630 tỷ đồng, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm từ 20% – 30% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu là nguyên liệu, vật tư sản xuất và xe ôtô. Tuy nhiên, đối với hàng xuất khẩu, chưa bị ảnh hưởng bởi dịch cúm COVID-19.

So với cùng kỳ năm 2019, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2020, Cục Hải quan TPHCM giảm thu khoảng 28 tỷ đồng/ngày.

Theo Cục Hải quan TPHCM, muốn hoàn thành dự toán pháp lệnh và chỉ tiêu phấn đấu năm 2020 thì 10 tháng còn lại của năm 2020, Cục Hải quan TPHCM phải thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 9.937 tỷ đồng/tháng mới hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh và 10.564 tỷ đồng/tháng mới hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu.

“Nhiệm vụ để hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2020 của Cục Hải quan TPHCM vô cùng khó khăn và thách thức, hết quý 1 năm 2020 cũng khó có sự bứt phá”, đại diện Cục Hải quan TPHCM nhìn nhận.

Trước thực tế trên, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM xác định đây là thời điểm để từng cán bộ công chức có trách nhiệm chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng vực dậy nền kinh tế sau dịch cúm COVID-19 bằng các chương trình hành động cụ thể và thiết thực.   

Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng đã chỉ đạo các chi cục Hải quan tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp. Đối với hàng xuất khẩu, các chi cục Hải quan chỉ làm thủ tục và thông quan hàng xuất khẩu khi có giấy phép (bản chính) của Bộ Y tế.

Các lực lượng tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các lô hàng “xuất khẩu trái phép khẩu trang y tế” bằng hình thức khai báo không đúng tên hàng là “khẩu trang y tế” để thông quan luồng Xanh.

Đối với hàng nhập khẩu, tập trung các giải pháp thu ngân sách, thu hồi nợ thuế. Đặc biệt, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt chính sách thuế, quản lý thuế. Trong đó, thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế bảo vệ môi trường là các loại thuế gắn liền với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng thép, thép hợp kim, nhôm, nhôm hợp kim, tôn màu…

Ngoài ra, Cục Hải quan TPHCM cũng lưu ý các Chi cục Hải quan và Chi cục Kiểm tra sau thông quan về điều kiện vận chuyển trực tiếp, về các dòng thuế không được hưởng ưu đãi đặc biệt quy định tại các biểu thuế (kể cả lô hàng có C/O nhưng vẫn không được hưởng), về tính hợp lệ của chứng từ do nhà sản xuất tự cấp (tự chứng nhận xuất xứ).

Đối với kế hoạch tạo thuận lợi thương mại, từng chi cục phải xây dựng kế hoạch để chủ động gặp gỡ doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan và có số thuế lớn để cam kết bằng chương trình hành động cụ thể, thiết thực, tích cực hỗ trợ tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Song song đó, Hải quan làm việc cụ thể với các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, cảng, sân bay, chuyển phát nhanh, dịch vụ logistics… để phục vụ tốt nhất cộng đồng doanh nghiệp làm thủ tục trên địa bàn TPHCM.

Sơn Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo