Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tăng cường phát hiện, xử lý vi phạm tham nhũng, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại kỳ họp

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 23/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2021. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Công tác PCTN đạt nhiều kết quả quan trọng

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến công tác PCTN, song công tác PCTN luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Kết quả nổi bật là: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, PCTN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong PCTN ngày càng được khẳng định và phát huy. Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Đồng thời, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong PCTN ngày càng phát huy hiệu quả. Hợp tác quốc tế được tăng cường; hoạt động PCTN từng bước được mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Quang cảnh tại kỳ họp Quang cảnh tại kỳ họp

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường, kịp thời phổ biến, tổ chức quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về PCTN gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cụ thể, đã có rất nhiều đầu sách, tài liệu tuyên truyền về PCTN được xuất bản; tổ chức gần 100.000 lớp học trực tiếp hoặc trực tuyến cho các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... nhằm phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác PCTN.

Bên cạnh đó, việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng có chuyển biến tích cực; đã kịp thời công bố, công khai, thông tin báo chí về những vụ việc dư luận xã hội quan tâm, về kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, PCTN theo đúng quy định của pháp luật; các bộ, ngành, địa phương kiểm tra 8.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 251 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm (tăng 175% so với năm 2020).

Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, năm 2021, tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. “Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.”- Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định.

Quang cảnh tại điểm cầu TPHCM Quang cảnh tại điểm cầu TPHCM

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, Bộ trưởng Lê Thành Long kiến nghị Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về công tác PCTN; chú trọng sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định của pháp luật nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực, lãng phí trong hoạt động của bộ máy nhà nước.

Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng, chú trọng thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, kiểm soát tài sản, thu nhập, thi hành án để nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, tiêu cực.

Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị MTTQ Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và nhân dân tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên; tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền, pháp luật về PCTN; tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của toàn xã hội trong PCTN.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo