Thứ Hai, ngày 2 tháng 12 năm 2024

Tận dụng thế mạnh đặc thù của địa phương để phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao

Đồng chí Phạm Thành Kiên kết luận tại buổi giám sát

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 15/10, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TPHCM do đồng chí Phạm Thành Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TP làm trưởng đoàn giám sát về việc triển khai, thực hiện chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội” đối với UBND huyện Cần Giờ.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương

Báo cáo với đoàn giám sát về thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng cho biết, huyện Cần Giờ đã tổ chức triển khai các nội dung Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trên địa bàn huyện; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành TP  rà soát, đề xuất các nội dung chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn và định hướng phát triển của địa phương theo Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, đặc biệt là đảm bảo gắn kết chặt chẽ với nội dung 41 đề án, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước.

Đồng thời, huyện đã phối hợp với các sở, ngành TPHCM triển khai 6 nhóm cơ chế chính sách trong lĩnh vực quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy chính quyền của TP.

Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với các sở ngành TP tham mưu cho TPHCM về các dự án lớn như Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, phát triển giao thông xanh và quy hoạch vùng. Trong đó, về hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm năm 2023, huyện đã phân bổ 130 tỷ đồng vốn vay hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm, đạt 100% kế hoạch giải ngân. Năm 2024, huyện tiếp tục phân bổ 70,255 tỷ đồng cho vay hỗ trợ các hộ dân, đến hết tháng 6/2024 đã giải ngân được 121 tỷ đồng, đạt 173% kế hoạch. Kết quả này góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và cải thiện đời sống cho người dân.

Quang cảnh buổi giám sát Quang cảnh buổi giám sát

Về thực hiện chuyển đổi số, đồng chí Nguyễn Văn Hồng cho biết, huyện đã tổ chức điều hành, chỉ đạo, hội họp trực tuyến hoàn toàn qua các hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của TP, đầu tư trang bị hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tại huyện, mua sắm bản quyền phần mềm chuyên dụng phục vụ cho các cuộc họp trực tuyến nội bộ huyện. Đặc biệt, mạng Internet đã phủ sóng hầu hết các điểm dân cư và cơ sở hành chính; phát triển các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nội bộ, hoạt động cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp qua vận hành Cổng Thông tin 1022, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và hệ thống Kiot tra cứu thông tin và đánh giá hài lòng tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Các sản phẩm OCOP của huyện đã được kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương. Ngành giáo dục đã bắt đầu triển khai học bạ số và phần mềm quản lý học sinh, giúp nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực giáo dục. Ngành y tế của huyện đã thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm xã hội bằng căn cước công dân 100%, thu viện phí qua hình thức chuyển khoản, quét mã vạch, quẹt thẻ qua máy Pos.

Đẩy mạnh các mô hình du lịch xanh

Tại giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Hồng kiến nghị UBND TP có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất túi phân hủy sinh học, sản phẩm thân thiện môi trường, tái chế rác thải nhựa… và tăng cường biện pháp chế tài đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất túi ni lông khó phân hủy để giảm áp lực cạnh tranh về giá thành thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích ứng dụng công nghệ trong hoạt động kết nối chuỗi thu gom rác thải nhựa và sử dụng các phương tiện, thiết bị thân thiện môi trường.

Đồng thời, đẩy mạnh các mô hình du lịch xanh, truyền thông giảm rác thải nhựa gắn kết với các hoạt động du lịch tại những địa phương trong nước; tăng cường bố trí kinh phí ngân sách cho địa phương trong triển khai thực hiện các mô hình giảm rác thải nhựa; xây dựng cơ chế và bố trí kinh phí hỗ trợ cho hoạt động, trang bị phương tiện vớt rác dọc biển, ven sông định kỳ.

UBND TP cần tiếp tục có chính sách xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Về triển khai Dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND huyện Cần Giờ kiến nghị Sở Nội vụ, Sở Tài chính sớm có hướng dẫn triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đã được phê duyệt theo Quyết định số 3867/QĐ-UBND của UBND TP, trong đó gồm các chế độ, chính sách của xã Thạnh An.

Đồng chí Nguyễn Văn Hồng phát biểu tại buổi giám sát. Đồng chí Nguyễn Văn Hồng phát biểu tại buổi giám sát.

Về thực hiện chuyển đổi số, đồng chí Nguyễn Văn Hồng kiến nghị Sở Thông tin và Truyền thông sớm có ý kiến chuyên môn phương án tổng thể đầu tư xây dựng đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trên địa bàn huyện Cần Giờ…

Tại buổi giám sát, các đại biểu HĐND TPHCM cho rằng, Cần Giờ cần tăng cường quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tiện ích nổi bật của chuyển đổi số; công tác đảm bảo an toàn thông tin; người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến; phát triển du lịch huyện Cần Giờ; lớp học số; phối hợp xây dựng đề án và thực hiện sắp xếp, tinh gọn đơn vị sự nghiệp công lập năm 2024…

Kết luận tại giám sát, đồng chí Phạm Thành Kiên ghi nhận và đánh giá cao huyện Cần Giờ đã triển khai hiệu quả triển khai, thực hiện chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Cần Giờ cần tiếp tục tăng cường đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số và các nội dung liên quan đến Nghị quyết 98.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM và Viettel để được cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông. Đây là nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn huyện; đồng thời, cần đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả mọi lĩnh vực; phối hợp các sở ngành liên quan để đẩy nhanh việc lập và phê duyệt quy hoạch vùng, đặc biệt là các dự án liên quan đến hạ tầng giao thông, môi trường và phát triển kinh tế, nhất là cần tận dụng tối đa những ưu điểm, thế mạnh đặc thù của địa phương để phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao.

Đối với các sở, ngành TP, đồng chí Phạm Thành Kiên mong muốn hỗ trợ huyện đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng viễn thông ở các vùng sâu, vùng xa, đồng thời, phát triển các dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo