Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Sửa đổi ngay văn bản quy phạm pháp luật để ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu sửa đổi ngay văn bản quy phạm pháp luật để ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 28/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp công bố Quyết định thành lập và triển khai nhiệm vụ cấp bách của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; các Tổ phó gồm: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc và 27 thành viên của Tổ công tác là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Tổ trưởng Tổ công tác Lê Thành Long cũng ban hành quyết định về việc thành lập Tổ giúp việc cho Tổ công tác gồm 46 thành viên là lãnh đạo các Cục, vụ của các Bộ, ngành Trung ương và thành lập Bộ phận thường trực Tổ công tác là lãnh đạo các Cục, vụ của Bộ Tư pháp.

Phát biểu khai mạc Phiên họp lần thứ nhất của Tổ công tác, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra và chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương lớn, chính sách quan trọng nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Đến nay, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; chất lượng các văn bản pháp luật, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật dần được hoàn thiện. Kết quả của công tác xây dựng pháp luật góp phần quan trọng vào những thành tựu của sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cần nghiêm túc nhìn thẳng vào những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật. Theo đó, hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn phát triển; tình trạng pháp luật mâu thuẫn, bất cập, không khả thi, vướng mắc gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, quản lý nhà nước, làm chậm sự phát triển, chậm được phát hiện, cần được khắc phục kịp thời như vấn đề, thủ tục về đất đai, cổ phần hoá, giải ngân vốn đầu tư công…

Nhấn mạnh nhiệm vụ của Tổ công tác, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu, rà soát hệ thống pháp luật, phát hiện bằng được, chỉ ra những mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất, bất cập, không phù hợp thực tiễn của hệ thống pháp luật, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với pháp luật, chính sách, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật. Trong các kiến nghị cải cách thể chế, cần đề xuất cụ thể việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu là khơi dậy các động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

“Trước diễn biến của tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó dự báo; tác động tiêu cực, nghiêm trọng, toàn diện đến kinh tế, xã hội đất nước, đời sống nhân dân, chúng ta đang phải tập trung tối đa nguồn lực cho công tác phòng chống đại dịch, nhanh chóng trở lại quỹ đạo phát triển. Do đó, cần có các biện pháp nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và tăng tốc khi dịch bệnh qua đi, nhất là rà soát, sửa đổi bổ sung kịp thời các vấn đề về thể chế, chính sách và pháp luật”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Quang cảnh cuộc họp Quang cảnh cuộc họp

Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã Ban hành kế hoạch rà soát pháp luật để tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, tổng thể, có hệ thống nhiệm vụ rà soát pháp luật; ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo rà soát, kiến nghị sửa đổi ngay những văn bản quy phạm pháp luật để ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19; đồng thời, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng cũng nêu lên 4 nhiệm vụ lớn của Tổ công tác, trong đó, rà soát chuyên sâu, chuyên đề, lĩnh vực theo nhóm quy định để kiến nghị sửa đổi, bổ sung đồng bộ; rà soát, kiến nghị sửa đổi ngay những văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan… để ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp, Tổ công tác và các thành viên tập trung triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ hết sức cấp bách này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tổng hợp các quy định của pháp luật cụ thể gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, trong đó cần nhận diện toàn bộ các tác động của đại dịch; đề xuất các nhóm giải pháp chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật để ứng phó toàn diện, đồng bộ và hữu hiệu đối với các tác động của dịch bệnh. Qua đó, kiến nghị các giải pháp chính sách mạnh, hiệu quả, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục, phát triển kinh tế, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân; bảo đảm giải pháp chính sách có tính dự báo, để Chính phủ có đủ thẩm quyền quyết định, chỉ đạo, thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả với các tình huống xấu nhất, tình trạng khẩn cấp.

 “Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách cần ưu tiên thực hiện có hiệu quả và kết quả ngay”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Vân Thanh

 Từ khóa
Covid 19

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo