Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Sự trở lại của Nhân danh công lý

Câu chuyện về một án mạng ly kỳ mà kẻ tình nghi là quý tử của một cán bộ cao cấp, nổi tiếng với cách hành xử như “ông trời con” của Nhân danh công lý luôn tạo được sức hút với khán giả.

(Thanhuytphcm.vn) - Những năm 1984 - 1985, các tác phẩm “đón đầu” không khí đổi mới liên tục ra đời và khuấy đảo sân khấu cả nước. Trong luồng gió mới sục sôi đó, Nhân danh công lý (tác giả: Doãn Hoàng Giang - Võ Khắc Nghiêm) của Nhà hát Kịch Việt Nam nổi lên như một hiện tượng. Trong nhiều năm, nhiều đoàn nghệ thuật từ Bắc chí Nam đều có bản dựng Nhân danh công lý với hàng nghìn suất diễn.

Ngay trên “đất của cải lương” lúc bấy giờ, khán giả TPHCM đã đón nhận nồng nhiệt một bản dựng Nhân danh công lý rất Nam bộ của Đoàn Kịch Kim Cương. Đến năm 2007, một lần nữa Nhân danh công lý thu hút sự chú ý của dư luận với bản dựng đậm hơi thở thời đại kinh tế thị trường trên Sân khấu Kịch Hồng Vân. Và mới đây nhất, vở kịch đề tài chống tiêu cực kinh điển này đã được chuyển thể cải lương và được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đặt nhiều kỳ vọng cho chương trình trở lại sáng đèn phục vụ khán giả.

Dù đã ra đời cách đây hơn 30 năm nhưng Nhân danh công lý mỗi lần trở lại đều nhận được sự quan tâm của công chúng khi câu chuyện về cuộc đấu tranh giữa những người thực thi pháp luật và các thế lực dùng tiền tài, quyền lực để “mua bán công lý” vẫn là “chuyện của muôn đời”. Sự trở lại của Nhân danh công lý lần này lại càng ý nghĩa hơn khi công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đang diễn ra quyết liệt với sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị. Vì thế, ê-kíp thực hiện vở diễn cũng chủ động đưa bối cảnh câu chuyện đến thời điểm hiện tại với việc lồng ghép nhiều vấn đề thời sự, như: vấn nạn “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy án” và nhất là thể hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về việc “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cho biết việc dựng lại những tác phẩm sân khấu kinh điển là chủ trương của Nhà hát trong việc giới thiệu lại những tinh hoa của nghệ thuật cải lương đến công chúng, hình thành lại thói quen đến rạp xem cải lương cho khán giả. Trong đó, Nhân danh công lý là một kịch bản nhiều tính thử thách sẽ giúp người nghệ sĩ học hỏi rất nhiều điều, từ việc tiếp cận đề tài phản ánh hiện thực xã hội, đấu tranh chống tiêu cực vốn đang thiếu vắng trên sân khấu sàn diễn hiện nay, đến cách dàn dựng, thể hiện phù hợp để mang đến những điều mới mẻ cho khán giả đối với một tác phẩm đã quá nổi tiếng. Sau Nhân danh công lý, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ tiếp tục tìm kiếm, dàn dựng những kịch bản gần gũi với đời sống, phản ánh những vấn đề xã hội được người dân quan tâm.

Bản dựng cải lương Nhân danh công lý của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang có sự tham gia của: NSƯT Mỹ Hằng, các nghệ sĩ Thy Phương, Điền Trung, Võ Thành Phê, Nguyễn Văn Khởi, Diễm Thanh, Thanh Toàn, Phùng Ngọc Bảy…

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo