Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Sự lan tỏa từ bài thơ viết về “Ba mươi hai bông huệ trắng”

Cô giáo Phan Thị Lệ Diễm thể hiện ca khúc “Tiếng hát Dân công” trong chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của 32 liệt sĩ Dân công hỏa tuyến

(Thanhuypthcm.vn) – Từ bài thơ “Chỉ có một khối tình” được viết lên bằng cảm xúc của một thầy giáo khi tham gia chương trình giao lưu với các cô chú là đồng đội của 32 liệt sĩ dân công hỏa tuyến tại Vĩnh Lộc, Bình Chánh hy sinh vào 15/6/1968 (nhằm ngày 20/5 âm lịch), bài vọng cổ “Tiếng hát Dân công” ra đời đã tạo nên cảm xúc mãnh liệt, đưa người hát, người nghe được trở về với cội nguồn dân tộc để nhắc nhở chính mình không phút giây nào có thể quên được truyền thống cách mạng vẻ vang, hào hùng của cha anh...

Ra đời từ buổi họp mặt ấm áp nghĩa tình

Bài thơ “Chỉ có một khối tình” được sáng tác vào năm 2017 nhân buổi họp mặt Kỷ niệm 87 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Chánh tổ chức, tại Khu di tích Dân Công Hỏa Tuyến, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Sau nghi thức dâng hương và phút mặc niệm 32 Dân công hy sinh vào 15/6/1968 (nhằm ngày 20/5 âm lịch), là phút giao lưu với các cô chú là đồng đội của những người ngã xuống.

Ngày ấy, có 55 Dân công tự nguyện chuyển thương, chuyển lương thực trên đồng bưng Vĩnh Lộc. Cô Ba Khỏi, đại diện cho tất cả đồng đội, kể câu chuyện Đêm trắng Vĩnh Lộc để nhắc nhở cho người đang sống càng trân quý hơn giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Trong số 32 Dân công hy sinh, có 7 người năm sinh là 1952, đa số còn rất trẻ...

Bằng cảm xúc chân thành, thầy giáo Nguyễn Văn Hiền, giáo viên Trường THPT Đa Phước, viết tặng Cô Ba Khỏi và các đồng đội bài thơ “Chỉ có một khối tình”

Đi giữa đồng bưng Em không ngập ngừng đôi chân 16

Em ngã xuống rồi máu ứa cả bụi dứa gai

Chiếc áo nào Em ngụy trang kẻ địch ?

Chiếc áo nào Em làm thôn nữ màu sắc chưa phai ?

Trộn vào bùn non băm nát hình hài...

Từ chiều 30 tháng Chạp, đến 20 tháng Năm Mậu Thân

Em đi suốt cả mùa xuân tuổi trẻ

Tiếng gà gáy, tiếng chim kêu là ám hiệu lên đường

Pháo kẻ thù cháy rực những bờ mương

Và Em cùng ba mươi hai đồng đội, không về

Em hy sinh khi tình riêng chưa trọn...

Và những người Chị còn con mọn gởi lại Má muôi

Những người Anh tuổi chưa tròn mười bảy

Chưa nắm tay ai, chiếc đòn gánh nặng vai rồi

Chỉ có một khối tình - tình Tổ quốc thiêng liêng...

Gởi gắm hình ảnh những người con anh hùng của Bình Chánh

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Bình Chánh anh hùng, anh Nguyễn Phước Hiệp, cán bộ Tuyên giáo xã Bình Hưng cảm nhận được sự hy sinh, mất mát của chiến tranh qua lời kể của ba và các chú khi tham gia hoạt động cách mạng. Tiếp xúc với anh, tôi cảm nhận anh rất mộc mạc, giải dị như cách nói lối trong vọng cổ.

Anh chia sẽ: “Khi được nghe kể về tổ chức hoạt động của Đội Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc, nghe kể về trận đánh đêm 15 tháng 6 năm 1968 và xúc cảm khi nghe bài thơ “Chỉ có một khối tình” ngắn gọn nhưng chuyển tải hết tất cả tình cảm của tôi nên tôi nghĩ phải viết tiếp ý bài thơ thành bài hát. Cũng qua bài vọng cổ tôi muốn nhờ những cung bậc ngũ âm của đờn ca tài tử Nam bộ để gởi hình ảnh những người con anh hùng của Bình Chánh đi vào lòng người. Tôi ước mong rằng ở đâu đó hay bất cứ khi nào, ta ngân nga câu hát này mà nhớ đến những anh hùng liệt sĩ ở nơi đây”.

Cô giáo Phan Thị Lệ Diễm, giáo viên Trường mầm non Thủy Tiên 1, xã Bình Hưng - người đầu tiên thể hiện bài vọng cổ chia sẽ: “Qua ngòi bút của tác giả, với chất thơ mộc mạc, giản dị nhưng lại mang đến cho người nghe biết bao ngậm ngùi, thương cảm. Tôi như được sống trong thời máu lửa, nên khi thể hiện bài hát lòng khó tránh khỏi nghèn ngẹn, xót xa. Bài vọng cổ “Tiếng hát Dân công” đã cho tôi được trở về với cội nguồn dân tộc để nhắc nhở chính mình không phút giây nào có thể quên được truyền thống cách mạng vẻ vang, hào hùng của cha anh”.

Bằng những cảm xúc dạc dào ấy, cô giáo Phan Thị Lệ Diễm đã thể hiện thành công bài vọng cổ “Tiếng hát Dân công” và đạt nhiều giải thưởng trong các hội thi, hội diễn do huyện Bình Chánh và TPHCM tổ chức. Đặc biệt hơn, bài vọng cổ “Tiếng hát Dân công” vừa được thể hiện trong chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của 32 liệt sĩ dân công hỏa tuyến tại Vĩnh Lộc, Bình Chánh vào ngày 3/7/2018.

Minh Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo