Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Sử dụng sai quy định 617 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương

Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán năm 2016

(Thanhuytphcm.vn) - Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 được Kiểm toán Nhà nước công bố tại buổi họp báo chiều 21/7, có 33/46 địa phương được kiểm toán đã sử dụng sai nguồn kinh phí 1.382 tỷ đồng; một số đơn vị sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác, sai quy định 617 tỷ đồng.

Hạch toán, kê khai thiếu doanh thu khá phổ biến

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kiểm toán Nhà nước Trần Khánh Hòa, năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã  kiểm toán tại 204 đơn vị. Qua kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2015 cho thấy tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước… vẫn diễn ra khá phổ biến.

Kiểm toán Nhà nước xác định phải nộp ngân sách thêm 11.365 tỷ đồng, trong đó một số đơn vị có kiến nghị phải nộp số tiền lớn như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam 2.054 tỷ đồng, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên 1.755 tỷ đồng, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH Một thành viên 1.264 tỷ đồng...

Đặc biệt, qua đối chiếu 1.653 người nộp thuế, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các khoản phải nộp ngân sách tăng thêm 2.050 tỷ đồng, trong đó có doanh nghiệp nộp tăng thêm 882 tỷ đồng.

Kiến nghị giảm trừ 12.399 tỷ đồng

Vụ trưởng Trần Khánh Hòa cũng cho biết, dự toán chi vẫn lặp lại các sai sót đã được phát hiện trong những năm trước về xây dựng và phân bổ kế hoạch vốn; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho một số hội, câu lạc bộ không thuộc danh mục theo quy định của Chính phủ; xác định thiếu phần tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương; bố trí dự toán các khoản chi không đúng quy định; phân bổ dự toán cho một số đơn vị nhưng không có nhiệm vụ chi cụ thể.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao chi tiết kế hoạch vốn chậm và giao nhiều lần; trình phương án điều chỉnh và phương án phân bổ vốn nước ngoài bổ sung chậm; bố trí kế hoạch vốn cho dự án không theo thứ tự ưu tiên; bố trí cho nhiều dự án khởi công mới không đảm bảo điều kiện; bố trí cho 18 dự án không có cơ sở (575 tỷ đồng), vượt tỷ lệ hỗ trợ ngân sách trung ương (20 tỷ đồng); không đúng đối tượng hoặc vượt tỷ lệ quy định tại các chương trình (332 tỷ đồng); phê duyệt cơ cấu nguồn vốn ngân sách trung ương trong tổng mức đầu tư vượt tỷ lệ hỗ trợ quy định 1.004,9 tỷ đồng.

Kiểm toán 1.228 dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm trừ 12.399 tỷ đồng.

Bên cạnh các hạn chế, sai sót trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn trái phiếu Chính phủ và các chương trình mục tiêu quốc gia bộc lộ một số nhược điểm, sai phạm, còn tùy tiện, lãng phí, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án BOT được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là hơn 13 năm.

Kết quả kiểm toán doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính ngân hàng chỉ ra rằng hầu hết các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp có sai sót trong việc hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính, thu lợi nhuận sau thuế không đúng quy định. Do đó, qua kiểm toán đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 6.241,8 tỷ đồng. Kiểm toán tại 7 doanh nghiệp cổ phần hóa, Kiểm toán Nhà nước đã xác định tăng giá trị vốn nhà nước 20.818 tỷ đồng.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo