Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập vượt qua các khó khăn

Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại hội nghị giám sát

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 21/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến làm việc các sở, ngành TP, gồm: Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Cục thuế, Bảo hiểm Xã hội và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội TPHCM, về giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 và Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của HĐND TP về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Lê Hoài Nam cho biết đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết 154/NQ-CP của Chính phủ, ngành giáo dục đã hỗ trợ 929 người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, trong đó, có 881 người đã được nhận hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng. Số người còn lại đang thực hiện thủ tục trợ cấp. Riêng Nghị quyết số 68/NQ-CP, có 4.565 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hưởng hỗ trợ, trong đó có 389 người đã được nhận hỗ trợ với hơn 975 triệu đồng; số người còn lại đang thực hiện thủ tục hỗ trợ.

Đối với triển khai thực hiện Nghị quyết 09/2021/NQ/HĐND của HĐND TP, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hoài Nam cho hay đến nay đã có 10.711 người lao động của ngành giáo dục trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận huyện đủ điều kiện nhận được hỗ trợ, trong đó có 7.539 người đã được nhận hỗ trợ với hơn 14,9 tỷ đồng; số người còn lại đang thực hiện thủ tục hỗ trợ.

Theo Nghị quyết 68 quy định đối tượng hộ kinh doanh thuộc diện hỗ trợ, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Thái Minh Giao cho biết trên địa bàn TP có một số hộ kinh doanh đã được cấp mã số thuế để hoạt động kinh doanh và chấp hành nghĩa vụ thuế... Do đó, các hộ kinh doanh trên cũng chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19, nên Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Thái Minh Giao kiến nghị đối với những hộ phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg trong thời gian từ ngày 1/5 đến ngày 31/12 năm 2021 thì nên có chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, xem xét hỗ trợ các đối tượng là các cơ sở giáo dục như nhóm nhà trẻ, mầm non... chấp hành nghĩa vụ thuế, có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuy nhiên không có giấy chứng nhận kinh doanh.

Đối với ngành du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Bùi Thị Ngọc Hiếu đề nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, kích cầu du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động; xem xét kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021 theo Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020. 

Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần triển khai, đưa hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia đi vào thực tế để hỗ trợ các tỉnh/thành trọng điểm về du lịch nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch, phát triển sản phẩm và đào tạo nhân lực du lịch, theo quy định của Luật Du lịch và phù hợp với Chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam. Đồng thời, có kế hoạch triển khai, nhân rộng mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tại một số tỉnh/thành trong cả nước; Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Bùi Thị Ngọc Hiếu cũng đề nghị UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về công tác đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch TP năm 2021, cụ thể: Hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách TP cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý điều hành, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nguồn nhân lực du lịch  nhằm tái cấu trúc, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong ngành du lịch TP, giữ chân lực lượng này trong điều kiện hoàn cảnh bị tác động bởi dịch bệnh Covid -19...

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Mai Bá Hùng kiến nghị Đoàn ĐBQH TP kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập vượt qua các khó khăn để thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa góp phần phục hồi, ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền có giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, sở hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và thể thao chịu tác động của dịch Covid - 19.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung chế độ hỗ trợ thêm đối với viên chức hoạt động nghệ thuật làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập phải tạm dừng hoạt động trong thời gian trước ngày 1/5; bổ sung đối tượng được hỗ trợ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho các chức danh nghề nghiệp có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn như phục vụ, hậu đài, di sản viên hạng IV; bổ sung chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục cao đẳng đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Mai Bá Hùng cũng kiến nghị UBND TP sớm có chủ trương khởi động lại việc rèn luyện thân thể của người dân nhằm đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể lực, phòng chống bệnh tật, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm và lây nhiễm bệnh.

Tại hội nghị, ĐBQH Trần Thị Diệu Thuý đề nghị các sở, ngành liên quan cần đề xuất những chính sách thuộc thẩm quyền của UBND TP giải quyết cho phù hợp với tình hình địa phương. Bên cạnh đó, các sở ngành có liên quan và hệ thống ở cơ sở cần nắm chắc, rà soát, không để sót, lọt và không chi sai đối tượng; cần có cuộc vận động thêm với hệ thống chính trị ai có thể tự lo được cho mình thì nhường phần đó lại hoặc là hỗ trợ cho người khó khăn hơn.

Một số ý kiến cũng cho rằng các sở, ngành cần đánh giá cụ thể hơn đối với tác động dịch Covid-19 của TPHCM đến tình hình kinh tế, xã hội.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận và đánh giá cao các sở, ngành liên quan đã chủ động triển khai công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Nỗ lực tổ chức các hoạt động kết nối với các đơn vị liên quan tổ chức tốt nhất việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ đã ban hành nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị các sở, ngành liên quan được giám sát cần đẩy nhanh tốc độ xem xét, nghiên cứu và xác nhận những trường hợp đủ điều kiện giải quyết và chi trả cho các đơn vị đủ điều kiện. Bên cạnh đó, cần sử dụng tối đa công nghệ, thông qua cổng thông tin điện tử để giải quyết các hồ sơ có liên quan đến các đối tượng được hưởng các chính sách, để hỗ trợ các doanh nghiệp tối đa, nhất là trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, thuế, ngân hàng…

Đối với các thủ tục hồ sơ khó khăn vướng mắc bên doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn hỗ trợ, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị các ngành liên quan cần đeo bám các cơ quan Trung ương có quan tâm và giải quyết sớm các vướng mắc. Đoàn ĐBQH TP sẽ tiếp thu tất cả các kiến nghị của các sở, ngành; các kiến nghị này sát đáng, trong đó có nhiều nội dung các ngành đã đề xuất đến nay chưa giải quyết. Sau buổi giám sát, Đoàn ĐBQH TP sẽ báo cáo đề xuất riêng từng kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Quốc hội. Đồng thời, gửi Chính phủ và các bộ ngành liên quan và báo cáo gửi UBND TP các kiến nghị đề xuất để tiến độ quan tâm giải quyết nhanh hơn, quyết liệt hơn.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo