Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Rút ngắn thời gian lưu giữ các phương tiện vi phạm, khắc phục tình trạng quá tải, lãng phí

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 12/12, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về việc tạm giữ, tịch thu các phương tiện vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, từ năm 2013 đến tháng 9/2019, Công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ gần 4,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó gần 249 ngàn ô tô, hơn 3,9 triệu mô tô và hơn 89.700 phương tiện khác. Tính đến tháng 9/2019, tại Công an các đơn vị, địa phương còn tồn đọng gần 137 ngàn phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được.

Vấn đề khó khăn mà Thứ trưởng Bộ Công an nêu ra là theo quy định hiện nay, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt là 1 năm nên khi tạm giữ phương tiện, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, bỏ phương tiện thì phải chờ hết thời hiệu mới thực hiện thủ tục xử lý phương tiện. Chính việc này dẫn đến số lượng và thời gian tạm giữ phương tiện kéo dài. Mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính cao hơn giá trị của phương tiện bị tạm giữ và chủ phương tiện phải chịu chi phí cho việc lưu giữ nên tình trạng bỏ lại phương tiện, không nhận lại xảy ra nhiều.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng cho rằng, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hạn tạm giữ tối đa không quá 24 giờ kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn thêm không quá 24 giờ là chưa phù hợp với thực tế. Đặc biệt là những phương tiện tự chế, vì trong trường hợp này, việc xác định giá phương tiện gặp nhiều khó khăn và thường phải thuê đơn vị tư vấn để xác định giá. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, trong biên bản tạm giữ phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ. Do đó, khi tạm giữ phương tiện, người ra quyết định tạm giữ phải có mặt tại hiện trường. Quy định này gây khó khăn trong quá trình tạm giữ vì người có thẩm quyền tạm giữ không thể có mặt thường xuyên tại nơi xảy ra vi phạm để ký biên bản.

Ở khía cạnh khác, Thứ trưởng Bộ Công an chỉ ra thực tế, thủ tục tịch thu, bán đấu giá phương tiện mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu, từ việc phải xác minh chủ sở hữu phương tiện, giám định, thông báo niêm yết, tra cứu hồ sơ để xác định phương tiện đó có nằm trong cơ sở vật chứng hay không, định giá, ra quyết định tịch thu, lập phương án xử lý tài sản đối với từng phương tiện. Hiện chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc không xác định được người vi phạm.

Phiên giải trình về việc tạm giữ, tịch thu các phương tiện vận tải đường bộ Phiên giải trình về việc tạm giữ, tịch thu các phương tiện vận tải đường bộ

Việc gia tăng số lượng phương tiện quá thời hạn tạm giữ mà chưa xử lý được dẫn đến tình trạng quá tải. Việc tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được. Ông kiến nghị, rà soát, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh để được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Việc này nhằm hạn chế việc đưa các phương tiện về nơi tạm giữ. Đồng thời sửa đổi quy định về việc các phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt 10 ngày, nếu người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện vi phạm hành chính. Đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định thì cần nhanh chóng trả lại cho người vi phạm hoặc chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp.

“Đối với phương tiện có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng mà chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp phương tiện không đến nhận lại thì cần có quy định để rút gọn các thủ tục để bán đấu giá, thanh lý tài sản, tránh hư hỏng, tồn đọng phương tiện. Đồng thời, nghiên cứu quy định cho phép các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định pháp luật được đầu tư các địa điểm tạm giữ phương tiện, có thu phí theo quy định của Bộ Tài chính để huy động nguồn lực xã hội và giảm tải áp lực về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho Nhà nước”, Thứ trưởng Bộ Công an kiến nghị.

Đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề này, các đại biểu cho rằng, cần phải bổ sung những quy định về mặt pháp lý nhằm nâng cao chất lượng xử lý các phương tiện vi phạm theo hướng nhanh gọn, hiệu quả, tránh tình trạng quá tải tại các bãi giữ xe, gây khó khăn trong công tác xử lý cũng như lãng phí tài sản của nhân dân. Các đại biểu đề nghị, sau khi hết thời gian tạm giữ xe, cơ quan chức năng cần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để các chủ xe được biết và có quy định thời hạn cụ thể, nếu không đến nhận sẽ xử lý. Đối với những phương tiện không xác định được chủ thực sự như: xe quá cũ, không có giấy tờ, thay đổi kết cấu, số khung, số máy... cần phải có phương án cụ thể để rút ngắn thời gian lưu giữ các phương tiện vi phạm, khắc phục tình trạng quá tải, lãng phí.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo