Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam phù hợp với nhu cầu phát triển của giai đoạn mới

Quang cảnh hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 9/8, tại TPHCM, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) tổ chức Hội thảo “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch TPHCM phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức từ ngày 8 đến 9/8 tại TPHCM.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Đoàn Văn Việt; Tổng cục Du lịch Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh; Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu; đại diện các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia, các quản lý và các doanh nghiệp.

Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến, trao đổi, thảo luận, đóng góp đối với những nội dung cơ bản của dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045. Những ý kiến này sẽ là căn cứ để đi tới thống nhất những định hướng và giải pháp cơ bản phát triển du lịch trong giai đoạn mới phù hợp với những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Chiến lược phát triển ngành; làm cơ sở pháp lý để triển khai chỉ đạo, quản lý các hoạt động của ngành du lịch trên phạm vi cả nước một cách có hiệu quả.

Đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo Đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Đoàn Văn Việt cho rằng, trong thời gian qua, hệ thống quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương tới địa phương cũng không ngừng đổi mới và hoàn thiện, hệ thống doanh nghiệp du lịch cũng ngày càng trưởng thành, lớn mạnh; hệ thống điểm đến ngày càng mở rộng... đã tạo thành sức mạnh tổng lực. Bên cạnh đó, các quy hoạch phát triển du lịch, các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật trên phạm vi cả nước đã tạo diện mạo mới cho đất nước và làm tiền đề cho du lịch Việt Nam phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, cũng trong quá trình phát triển, ngành du lịch vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập; đối mặt với nhiều khó khăn và điểm nghẽn chưa có giải pháp thoả đáng. Mặc dù rất giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhưng chúng ta chưa có bước phát triển đột phá để khẳng định thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, việc phát triển vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, yếu tố thiếu bền vững.

“Để nắm bắt cơ hội và vượt qua các khó khăn, ngành du lịch Việt Nam cần thiết phải được định hướng quy hoạch phát triển với tầm nhìn dài hạn, lấy đó làm cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển của một giai đoạn mới. Đồng thời, làm cơ sở vững chắc cho các định hướng phát triển du lịch tại các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để các địa phương có “kim chỉ nam” cho việc hoạch định, quản lý du lịch trên địa bàn.” - Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, quy hoạch lần này có nhiều điểm mới, hướng tới phát triển bền vững, chất lượng, có hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh. Các mục tiêu trong chiến lược, quy hoạch cơ cấu lại ngành du lịch Việt Nam cân đối lại những định hướng về không gian, định hướng và giải pháp phát triển. Song song với đó, đảm bảo xây dựng những hợp phân tích hợp các vùng, tiểu vùng du lịch, quy hoạch du lịch tỉnh, du lịch biển…

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội thảo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Sỹ, đại diện liên danh tư vấn lập Quy hoạch đã trình bày tóm tắt nội dung Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, 6 quan điểm chính đã được đưa ra bao gồm: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu; phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; phát huy tiềm năng lợi thế quốc gia; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc; gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển bền vững, sáng tạo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh trật tự. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục hồi hoàn toàn ngành du lịch như trước đại dịch Covid-19. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh du lịch trên toàn cầu. Đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

Cụ thể là đầu tư cho các địa điểm có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, các vùng động lực du lịch. Dự kiến cho 64 địa điểm có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Phát triển một số thương hiệu du lịch nổi bật để định vị điểm đến Việt Nam theo hướng chất lượng cao, cạnh tranh với các thương hiệu điểm đến du lịch đã định hình trong khu vực.

Tại buổi Hội thảo, rất nhiều ý kiến các chuyên gia du lịch, đại diện sở quản lý du lịch trên cả nước đã làm rõ hơn hiện trạng, thực tế ở các địa phương, những thành tựu, hạn chế và tham góp về các vấn đề: Chính sách quản lý, phát triển du lịch; vai trò của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong phát triển du lịch; tiêu chí lựa chọn các địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia; nâng cao hiệu quả, quy mô xúc tiến, quảng bá du lịch...

Đồng thời, các ý kiến cũng đề nghị làm rõ lại các quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch, đảm bảo tính khả thi, tương xứng với vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn; nghiên cứu, hoàn thiện các định hướng không gian, định vị hệ thống du lịch trên bình diện các vùng trên cả nước, làm cơ sở cho các địa phương phát triển trong giai đoạn tới; bổ sung, hoàn thiện các giải pháp thiết thực từ thực tế của các địa phương...

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo