Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Quy định trách nhiệm cụ thể của cá nhân là quân nhân dự bị khi đi khỏi nơi cư trú tại địa phương

Quang cảnh hội thảo góp ý dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên.

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên. Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo.

Theo dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên có 5 Chương và 43 Điều với các nội dung chính như: xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; đăng ký, quản lý quân nhân dự bị; chế độ chính sách và kinh phí bảo đảm cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên…

Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng cần cân nhắc nâng độ tuổi quân nhân dự bị cho phù hợp với dự kiến tăng độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ theo dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần thống nhất quy định độ tuổi nam 40 tuổi, nữ 35 tuổi; thống nhất độ tuổi xếp vào đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương quy định độ tuổi hạ sĩ quan dưới 30 tuổi, quân nhân chuyên nghiệp dưới 35 tuổi. Ngoài ra, cần bổ sung quy định độ tuổi quân nhân dự bị trong thời chiến.

Tại Điều 5 của dự thảo về thẩm quyền lập kế hoạch, Đại biểu Nguyễn Thái Sơn, Trường Đại học An ninh Nhân dân cho rằng cần định danh rõ các loại kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên theo các cấp có thẩm quyền. Vì Khoản 1 đề cập đến kế hoạch nhà nước về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên. Nhưng các Khoản 2 và Khoản 3 chỉ đề cập đến kế hoạch chung chung. Có thể phân chia thành: kế hoạch nhà nước, kế hoạch cấp Bộ và tương đương, kế hoạch cấp Cục và tương đương, kế hoạch cấp quân khu và tương đương, kế hoạch cấp tỉnh, kế hoạch cấp huyện.

Tại Khoản 2 Điều 22 của Dự thảo quy định “Việc gọi quân nhân dự bị huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu thực hiện theo Luật sĩ quan Quân đội nhân viên Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự”, Đại biểu Trần Quốc Tú, Sở Tư pháp TP cho rằng nội dung này cần cụ thể hơn đối với trách nhiệm của cá nhân là quân nhân dự bị khi đi khỏi nơi cư trú tại địa phương cũng phải thông báo với địa phương để kịp thời quản lý và thông báo đến quân nhân dự bị khi có lệnh huy động tập trung huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và bổ sung biện pháp chế tài đối với quân nhân dự bị khi đi khỏi nơi cư trú nhưng không thông báo chính quyền địa phương.

“Qua tổng hợp ý kiến một số đơn vị hiện nay cho thấy có tình trạng một số đối tượng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ bằng cách “trốn tránh không nhận lệnh gọi, lệnh triệu tập, lệnh huy động để né tránh việc “chấp hành lệnh” huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của lực lượng dự bị, động viên. Hiện nay, Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn cụ thể không quy định nội dung này.”- Đại biểu Trần Quốc Tú nhấn mạnh.

Long Hồ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo