Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Quy định số lượng dự phòng trong các đơn vị dự bị động viên để đảm bảo tính chủ động, kịp thời

Đại biểu Dương Đình Thông

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 11/6, theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị công phu, theo sát chủ trương xây dựng lực lượng dự bị động viên tại Nghị quyết số 28 và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới. Việc xây dựng Luật Lực lượng dự bị động viên là cần thiết nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về quốc phòng - an ninh và Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên; đồng thời đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật đã ban hành.

Qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh dự bị động viên cho thấy, việc thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự tham mưu phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện, đặc biệt là vai trò chỉ đạo hướng dẫn triển khai, tổ chức từ Bộ Quốc phòng cho đến cấp ủy, chính quyền các địa phương, công tác xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên đạt kết quả rất tốt. Nhất là chất lượng lực lượng dự bị động viên được nâng lên, thể hiện thông qua vai trò, vị trí cũng như việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng dự bị động viên khi huy động thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên và các nhiệm vụ khác đạt kết quả rất tốt. Việc ban hành luật tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ hơn để xây dựng lực lượng dự bị động viên như quy định trong Hiến pháp, có chất lượng cao và phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cho ý kiến về quy định đơn vị dự bị động viên phải duy trì đầy đủ quân số, có số lượng dự phòng 10% đến 15%, dự trữ vũ khí trang thiết bị theo phân cấp tại Điều 14, nhiều đại biểu cho rằng, việc quy định số lượng dự phòng trong đơn vị dự bị động viên là cần thiết. Theo đại biểu Dương Đình Thông (Bắc Giang), quy định như dự thảo là phù hợp, cần thiết bởi kế thừa Điều 11 Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên năm 1996 và luật hóa tại Điều 10 của Nghị định 39 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Pháp lệnh này. Theo đó, quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật được sắp xếp tại đơn vị dự bị động viên phải thích hợp. Trong điều kiện hiện nay, quân nhân dự bị cơ bản là lực lượng lao động chính trong các doanh nghiệp, có thể làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty cổ phần và các thành phần kinh tế khác mà không thể có mặt khi được huy động. Mặt khác, nhiều trường hợp có thể bị bệnh tật, ốm đau, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các tình huống bất khả kháng, không thể thực hiện huy động được.

Thực tiễn qua thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên cho thấy, việc quy định số lượng dự phòng trong các đơn vị dự bị động viên để đảm bảo tính chủ động và tính kịp thời, gắn với nhiệm vụ khi có tình huống, do vậy quy định tỷ lệ từ 10% đến 15% trong dự thảo đảm bảo tính khả thi, thể hiện được tính thống nhất, tính cơ động và phù hợp với từng vùng, miền về nguồn dự bị động viên, nhất là trong điều kiện hiện nay. Để đảm bảo tốt tỷ lệ dự phòng này trong triển khai tổ chức thực hiện, đại biểu Dương Đình Thông đề nghị trong các quy định cần làm tốt hơn về công tác đăng ký quản lý và có biện pháp quản lý tốt, nhất là quy định rõ hơn về trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn cũng như triển khai tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên để đáp ứng tình hình yêu cầu hiện nay.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng Đại biểu Bùi Quốc Phòng

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) băn khoăn về tỷ lệ này vì pháp luật hiện hành không quy định cụ thể số lượng dự phòng từ 10% đến 15%. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc tỷ lệ dự phòng cho phù hợp trong điều kiện yêu cầu tinh giản biên chế, không tăng ngân sách, đồng thời cũng gắn với xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh hiện nay. Về quy định tại khoản 1 Điều 22, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức sinh hoạt cho quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy từ tiểu đội trưởng và tương đương trở lên, đại biểu Bùi Quốc Phòng cho rằng, quy định như dự thảo là phù hợp bởi vì đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành và cơ quan quân sự chủ trì, phối hợp, tham mưu triển khai tổ chức thực hiện. Thực tiễn qua triển khai những năm qua ở các cấp không có gì vướng mắc.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo