Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Quản lý, phát triển nguồn nhân lực, gắn với nghiên cứu khoa học

Toàn cảnh hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 13/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội TP Phan Nguyễn Như Khuê chủ trì hội thảo. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học là cần thiết và đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội, đất nước trong tình hình mới.

Nghiên cứu lập các quỹ cho sinh viên vay vốn

Luật Giáo dục đại học đã được ban hành năm 2012. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai đã bộc lộ một số hạn chế, khó khăn. Mặt khác, năm 2013 Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013, cùng với đó là Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương đề ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Dự thảo đề xuất sửa đổi 39/73 Điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012, bổ sung 2 Điều.

Góp ý cho dự thảo luật, Luật sư Hà Hải cho rằng, dự thảo sửa đổi bổ sung Điều 7 của Luật quy định “Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thuộc sở hữu toàn bộ hoặc một phần của nhà đầu tư nước ngoài”, có nghĩa cơ sở giáo dục có bất kỳ số vốn nào của nhà đầu tư nước ngoài đều được xem là cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, cơ sở giáo dục có bất kỳ tỷ lệ vốn góp nào của nhà đầu tư nước ngoài cũng phải xin cấp giấy chứng nhận đầu tư mới đáp ứng điều kiện.

Cũng theo luật sư Hà Hải, khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư 2014 lại quy định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51% sẽ áp dụng các điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước, có nghĩa không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cơ quan có thẩm quyền, như vậy luật sư Hà Hải cho rằng quy định tại Điều 22 Luật hiện hành là chưa thống nhất với Luật Đầu tư 2014 trong trường hợp cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51%.

Từ phân tích trên, Luật sư Hà Hải đề nghị ban soạn thảo bổ dung sửa đổi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Luật hiện hành theo hướng “đối với cơ sở giáo dục đại học có từ 51% vốn đầu tư nước ngoài còn phải có giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền”.

Giáo sư Phạm Phụ, Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng cần bổ sung điều luật phát triển các loại quỹ cho sinh viên vay vốn trong bối cảnh quy mô giáo dục đại học đã được mở rộng, để đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục đại học. Theo giáo sư Phạm Phụ, hiện nay Việt Nam đã có quỹ cho sinh viên vay vốn, nhưng quy mô còn rất nhớ, chưa đủ chi trả chi phí học phí mức thấp hiện nay và quy định việc trả nợ là cố định. Khi nền giáo dục đại học có quy mô lớn đồng thời với việc học phí tăng lên, cần mở rộng quy mô của quỹ này để chẳng những đủ trả học phí mà còn cả chi phí ăn ở. Vì vậy, cần bổ sung điều luật để lập các quỹ cho sinh viên vay vốn với nhiều mục đích khác nhau có quy mô tương đối lớn để đảm bảo công bằng xã hội khi tăng học phí, trong bối cảnh quy mô hệ thống giáo dục đại học đã đủ lớn.

Góp ý Khoản 3, Điều 89, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Nguyễn Kỳ Phùng cho rằng, mặc dù hiện nay sinh viên sư phạm không phải đóng học phí nhưng việc tuyển dụng, chế độ ưu đãi đối với giáo viên còn nhiều bất cập nên nhiều sinh viên không có khả năng xin việc vào nghề sư phạm. “Quy định như khoản 3 Điều 89 sẽ khiến việc tuyển sinh ở các trường sư phạm càng gặp nhiều khó khăn, trong khi chính sách tuyển dụng, đãi ngộ giáo viên, giảng viên chưa có những thay đổi hợp lý”- ông Nguyễn Kỳ Phùng nhấn mạnh.

Cần thống nhất một loại văn bằng đại học

Tiến sĩ Trần Đình Lý cho rằng dự thảo luật cần thống nhất một loại văn bằng giữa các hình thức đào tạo đại học, đây là việc mà nhiều nước trên thế giới đã làm. “Thực tế có nhiều học viên tại chức nhưng học rất giỏi và ngược lại không phải sinh viên chính quy nào cũng xuất sắc. Như vậy, dù học chính quy hay tại chức, người học sẽ nhận được tấm bằng đúng với năng lực của họ. Đây chính là sự phân biệt trình độ và sự khác biệt. Khi thực thi quy định này, các trường sẽ phải quan tâm đến chất lượng “sản phẩm” của mình tạo ra, sẽ phải thận trọng khi cấp văn bằng cho sinh viên tốt nghiệp. Một trường đại học có chất lượng thật sự thì chỉ cần một loại văn bằng” - Tiến sĩ Trần Đình Lý nhấn mạnh.

Nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội TP Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo Nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội TP Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo

Nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội TP Trần Du Lịch cho rằng việc sửa đổi để tháo gỡ những điểm nghẽn của Luật Giáo dục đại học hiện hành là cần thiết. Tuy nhiên những bất cập về chất lượng đào tạo đại học của nước ta hiện nay, sự cho ra đời quá nhiều trường đại học kém chất lượng; sự thương mại hoá giáo dục… không chỉ có nguyên nhân từ sự bất cập của Luật, mà từ những con người thực thi. Do đó, chỉ tập trung sửa đổi Luật mà không quan tâm tổ chức lại bộ máy quản lý; bố trí con người có tâm, có tầm với sự nghiệp giáo dục… thì tình hình giáo dục đại học khó được cải thiện.

Chính vì lẽ đó, ông Trần Du Lịch đề nghị 2 phương án: nếu sửa một số điều như đối với Luật hiện hành nhằm theo “điểm nghẽn” thì chỉ tập trung vào một số điều liên quan đến quyền tự chủ của đại học và tập trung chế định cụ thể chính sách cho loại hình đại học phi lợi nhuận. Nếu chập thêm 1, 2 năm nữa thì nghiên cứu viết lại toàn bộ Luật Giáo dục đại học mới thể hiện tư duy cải cách cơ bản toàn diện; thay đổi tư duy quản lý nhà nước về giáo dục.

Kết luận tại hội thảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá cao những ý kiến phát biểu trách nhiệm, có chất lượng của các đại biểu góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến để báo cáo Ban soạn thảo của Quốc hội và có ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV sắp tới.

Long Hồ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo