Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Phát động tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018

Quang cảnh lễ phát động

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 14/4, Ban Chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì ATTP” năm 2018 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.

Phát biểu tại lễ phát động, Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh: An toàn thực phẩm là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội. Đặc biệt, TPHCM là đầu tàu về kinh tế, văn hóa - xã hội thì công tác đảm bảo ATTP gắn liền với công tác bảo đảm an sinh xã hội. Trong thời gian qua, TPHCM đã có nhiều chỉ đạo, hoạt động tập trung vào công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn TP.

Cụ thể, TP là địa phương đầu tiên của cả nước tiến hành thí điểm mô hình Ban Quản lý ATTP nhằm tập trung nguồn lực quản lý về ATTP và TP đã hình thành đội ngũ Đội Quản lý ATTP xuống tận quận - huyện để tăng cường năng lực quản lý. TP đã xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn và gắn kết với các tỉnh, thành trong việc kiểm soát nuôi, trồng ngay tại gốc để đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng TP; quy hoạch triển khai xây dựng các cơ sở giết mổ hiện đại; tiến hành truy xuất nguồn gốc thực phẩm cũng như xây dựng mô hình chợ thí điểm về ATTP…

Mô hình sản xuất rau sạch của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Kỹ thuật Việt tại huyện Củ Chi, TPHCM Mô hình sản xuất rau sạch của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Kỹ thuật Việt tại huyện Củ Chi, TPHCM

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, Tháng hành động vì ATTP năm 2018 nhắm tới 3 mục tiêu chính là tăng cường công tác truyền thông, giáo dục và thông tin đến các đối tượng, đặc biệt là nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong vấn đề đảm bảo ATTP; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và lưu ý đến vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm; phấn đấu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP.

Để thực hiện các mục tiêu trên, TP đề ra một số giải pháp như thông tin, giáo dục, truyền thông hướng tới 3 đối tượng. Đó là tăng cường năng lực cho đối tượng quản lý; tăng cường trách nhiệm, nhận thức cho đối tượng sản xuất, kinh doanh về thực phẩm; nâng cao nhận thức của người dân để người dân ủng hộ những thực phẩm sạch và không tiêu thụ, sử dụng thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, tăng cường giám sát, lấy mẫu để đánh giá nguy cơ và truy xuất nguồn gốc để xử lý các vi phạm; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tăng cường truy xuất nguồn gốc và chống thực phẩm nhập lậu, những thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được buôn bán trên thị trường để xử lý nghiêm. Tăng cường kiểm soát các bếp ăn tập thể, các suất ăn công nghiệp đối với những đối tượng có nguy cơ diễn ra ngộ độc thực phẩm như ở trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp.

Đình Lý

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo