Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Phải hết sức kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực đầu tư công

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 27/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Các ý kiến phát biểu quan tâm đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mà Chính phủ đã trình Quốc hội. Theo đó, Chính phủ dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 như sau. Tổng mức vốn ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng. Dự phòng vốn ngân sách Trung ương là 10% (150.000 tỷ đồng) bằng với mức dự phòng giai đoạn 2016-2020. Mức dự phòng ngân sách địa phương do HĐND tỉnh quyết định. Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án (đến thời điểm hiện nay khoảng 4.979 dự án), giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án.

Chính phủ đưa ra mục tiêu bố trí đủ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đáp ứng yêu cầu tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường Vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TPHCM, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây…

Thảo luận về vấn đề này, các ĐBQH cho rằng, vốn đầu tư công giai đoạn 5 năm tới tăng 1,43 lần so với số kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là tích cực. Các ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công. Việc xác định dự toán chi đầu tư hàng năm phải dựa trên cơ sở thu ngân sách nhà nước thực tế từ thực lực của nền kinh tế, vay đầu tư trong khả năng trả nợ, không tạo áp lực trả nợ quá lớn cho giai đoạn sau. Bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…

Góp ý thêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) chỉ ra thực tế, bên cạnh các địa phương thực hiện nghiêm túc luật đầu tư công, vẫn còn một số nơi chưa thực hiện đúng quy trình, chưa tuân thủ đúng trật tự ưu tiên. Có nhiều trường hợp việc xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà xuất phát từ ý muốn chủ quan. Bên cạnh đó, trong tổng số 3.476 dự án diện chuyển tiếp, có hơn 1.000 dự án chưa có phương án phân bổ cụ thể. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy lãng phí nguồn lực, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, đặc biệt là tạo áp lực ngân sách khi rất nhiều dự án mới được bổ sung. Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ phải hết sức kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề đầu tư công. “Bởi vốn đầu tư công là tiền thuế của nhân dân, kể cả vốn đi vay thì người trả cũng sẽ là nhân dân, đó không phải là sở hữu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Không được để tình trạng có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đã tự cho mình quyền ban phát cũng như phải chấm dứt câu chuyện về cơ chế xin - cho”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai thẳng thắn nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai

Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số ĐB cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương cần tập trung tạo nguồn cho ngân sách Trung ương. Như thế mới có thể đạt được kế hoạch thực hiện nguồn vốn 2.870.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025. ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, cần có sự tách bạch các mục tiêu thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia trong từng năm. Không nên xây dựng một kịch bản chung mà cần có phương án kế hoạch tài chính theo từng giai đoạn nhỏ hơn để đảm bảo tính khả thi cao. Ví dụ như kịch bản thứ nhất là kế hoạch tài chính trong bối cảnh đại dịch có thể kết thúc vào năm 2022. Kịch bản thứ 2 là kế hoạch tài chính trong bối cảnh đại dịch khó kết thúc. Chính phủ cần xây dựng một kịch bản dự phòng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh khó kiểm soát trong cả giai đoạn.

Liên quan đến kế hoạch vay, trả nợ công, giai đoạn 2021-2025, một số đại biểu cho rằng, chi phí vay vốn từ nước ngoài thời gian tới có thể cao, áp lực trả nợ có nguy tăng vượt ngưỡng 25% trong năm nay khi kỳ hạn trả nợ gốc bị rút ngắn, việc bố trí vốn đối ứng gặp nhiều khó khăn. Do đó việc đánh giá, so sánh chi phí lãi vay trong nước và các hiệp định vay nước ngoài cần có tính toán cụ thể để lựa chọn chi phí lãi vay tối ưu nhất.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công như giải ngân vốn chậm, thất thoát, lãng phí…, trong đó có nguyên nhân chủ yếu từ khâu tổ chức thực hiện. Mặc dù luật đã quy định về phân cấp, phân quyền nhưng trên thực tế, địa phương vẫn né tránh, vẫn hỏi Trung ương vừa mất thời gian, vừa không rõ hiệu quả quản lý. Theo quy định, Trung ương chỉ phân bổ vốn, địa phương chủ động từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và toàn bộ quá trình thực hiện.

Bộ trưởng cho biết, thời gian tới sẽ triển khai các biện pháp khắc phục tình trạng dự án dàn trải, chưa bám sát vào quy hoạch, nặng bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, chạy theo phong trào, theo đề xuất của nhà đầu tư và mang lợi ích nhóm…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo