Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nữ tiến sĩ trẻ với niềm đam mê nghiên cứu tế bào gốc

Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc, một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2017. (Ảnh: Ng. Tùng)

(Thanhuytphcm.vn) - Với niềm đam mê nghiên cứu về tế bào gốc, Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc, 32 tuổi, công tác tại Phòng Thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM vừa được bình chọn là một trong mười gương mặt trẻ Việt Nam năm 2017. Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc chia sẻ: “Là một nghiên cứu viên, đảng viên, tôi tự nhắc mình phải nỗ lực nhiều hơn trong nghiên cứu để các đề tài nghiên cứu của mình để được ứng dụng vào thực tế, phục vụ xã hội. Khi thấy được các kết quả nghiên cứu của mình giúp việc điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân hiệu quả hơn càng thôi thúc tôi làm việc, nghiên cứu”.

Chúng tôi gặp Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc ngay sau khi Trung ương Đoàn  công bố danh sách 10 gương mặt trẻ Việt Nam năm 2017 vào giữa tháng 3 vừa qua. Thời gian này, Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc cũng đang tập trung thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia TPHCM “Nghiên cứu tạo mô sụn nhân tạo bằng công nghệ tế bào gốc” do cô làm chủ nhiệm đề tài. Trò chuyện với Bích Ngọc chúng tôi luôn cảm nhận sự khiêm tốn, chân tình của nữ nghiên cứu viên này.

Đề cập đến ý nghĩa của đề tài đang triển khai, Tiến sĩ Bích Ngọc cho biết, đề tài nghiên cứu hướng đến mục tiêu sẽ tạo ra được những mô sụn vừa với vùng tổn thương chưa lớn đến mức cần thiết phải thay khớp gối ở nhiều bệnh nhân bị thoái hóa khớp. Phương pháp này được phát triển từ kết quả ứng dụng điều trị thoái hóa khớp từ tế bào gốc. Tuy nhiên tế bào gốc chỉ là tế bào đơn lẻ nên đối với những những tổn thương lớn hiệu quả sẽ chậm, khi tạo được mô sụn nhân tạo những vùng tổn thương lớn hơn sẽ được điều trị nhanh hơn.

Kể về quá trình làm công tác nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc cho biết, khi mới ra trường cô bắt đầu làm những đề tài rất cơ bản như phương pháp nuôi cấy được một tế bào gốc, để nó có thể tăng sinh nhiều hơn. Tiếp theo là tìm cách để tế bào gốc đó có thể trở thành tế bào xương, sụn hay tế bào cơ tim. Cứ như vậy, các đề tài nghiên cứu sau được phát triển dựa trên những kết qủa có được từ các nghiên cứu trước. Vì vậy, mỗi đề tài/dự án là một dấu ấn trong quá trình nghiên cứu của cô.

“Không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc, mà trong lĩnh vực nghiên cứu nói chung đều cần phải có sự đam mê, tính cần cù và sự sáng tạo. Đối với riêng tôi, động lực đầu tiên để theo đuổi công tác này là tính hấp dẫn của tế bào gốc. Lúc đầu tôi tiếp cận với tế bào gốc là vì thấy nó mới, lạ hơn so với những thứ khác. Càng làm nhiều, mình càng thấy nó hay bởi các đề tài nghiên cứu tế bào gốc cả tính ứng dụng đầy ưu việt của nó cho y học. Trước đây tôi từng có ước mơ được làm bác sĩ, vì vậy những ứng dụng cho y học từ các nghiên cứu tế bào gốc đã tạo thêm sức hút với tôi trong công việc”.  - Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc bộc bạch.

Trong 5 năm qua, nghiên cứu viên Vũ Bích Ngọc đã có 58 sáng kiến, giải pháp, đề tài, bài báo khoa học, giáo trình, trong đó có 12  đề tài, sáng kiến và nhiều đề tài được ứng dụng vào thực tế. Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc nhớ lại, có lần nghe tin các bác sĩ từ một bệnh viện hợp tác với Viện Tế bào gốc, Đại học Khoa học Tự nhiện TPHCM thông báo, có một bệnh nhân lẽ ra phải tháo khớp ngón chân cái do biến chứng của bệnh đái tháo đường nhưng sau khi sử dụng tế bào gốc điều trị đã giữ lại được ngón chân đó, vết loét đã lành lại. Đây là một trong những thông tin đầu tiên về hiệu quả của cấy ghép tế bào gốc. Kết quả này càng khơi dậy tinh thần làm việc và nghiên cứu của nữ tiến sĩ trẻ. 

Là một Nghiên cứu viên có tham gia giảng dạy, trong những bài giảng lý thuyết của mình, Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc luôn cố gắng để đưa đến cho sinh viên những kiến thức, chia sẻ những kinh nghiệm mà mình đúc kết được trong suốt thời gian làm nghiên cứu. Trước mỗi môn dạy, Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc tìm cách giúp sinh viên thấy được tính khoa học cũng như ứng dụng của những kiến thức sẽ thu nhận được sau môn học. Đối với các sinh viên được cô hướng dẫn làm khóa luận tốt nghiệp (làm thực hành), cô sẽ tìm hiểu rồi định hướng các kỹ năng cần thiết để đạt được mục tiêu sinh viên đề ra. Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc luôn có một yêu cầu là sinh viên được hướng dẫn phải chủ động trong việc thiết kế thí nghiệm, tự tiến hành thí nghiệm sau khi được chỉ dẫn các kỹ thuật cơ bản có liên quan và chủ động tối đa trong việc tạo ra một sản phẩm khoa học. “Khi các em chính tay thiết kế thí nghiệm, thực hiện sẽ tự định hướng rõ hơn được con đường nghiên cứu của mình” - Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc cho biết.

Được đánh giá là một trong những nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc hàng đầu Việt Nam, Tiến sĩ Vĩ Bích Ngọc từng được nhận Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2017 do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ trao tặng trao tăng cho thanh niên trẻ có các công trình nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật nổi bật, có giá trị khoa học cao và đặc biệt đầu năm 2018, cô đã được bình chọn là một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu của cả nước.

Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc bộc bạch: “Những giải thưởng là sự ghi nhận thành quả nhỏ bé của tôi trong nghiên cứu khoa học. Tôi rất vui vì đã nhận được một số lời mời hợp tác phát triển công nghệ tế bào gốc trong trị bệnh, đồng nghĩa với việc các công nghệ do đơn vị tôi nghiên cứu sẽ đến được với nhiều đơn vị khác trong cả nước hơn và nhiều người dân có thể được lựa chọn phương pháp trị liệu tế bào gốc mới. Và tôi cũng luôn nghĩ rằng, là một nghiên viên trẻ, một đảng viên khi nhận những giải thưởng này mình phải không ngừng nỗ lực hơn nữa để có thể đưa sản phẩm từ các đề tài nghiên cứu không phải chỉ của riêng mình mà còn của những đồng nghiệp khác đến với xã hội, phục vụ cộng đồng”.

Nguyễn Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo