Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Những bông hoa tỏa sáng giữa đời thường

(Thanhuytphcm.vn) – 397 tập thể, cá nhân được tuyên dương tại tại Lễ biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt  học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017 – 2018 (do Thành ủy TPHCM tổ chức sáng 15/5) là những bông hoa đẹp trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là những tấm lòng yêu thương dành cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn của tập thể Công an phường Tam Phú, quận Thủ Đức với mô hình "Nồi cháo nghĩa tình"; là gương cô giáo Đinh Thị Kim Phấn gắn bó với lớp học của những bệnh nhi ung thư. Đó là ca sĩ Nguyễn Phi Hùng bằng lời ca tiếng hát đã góp sức mình lan tỏa thêm tình yêu biển đảo quê hương đến các tầng lớp nhân dân…

Ấm áp “Nồi cháo nghĩa tình”

Được triển khai từ giữa năm 2016, mô hình "Nồi cháo nghĩa tình" của Công an phường Tam Phú, quận Thủ Đức đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng người dân. Xuất phát từ mong muốn sẻ chia tấm lòng với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chiến sĩ Công an phường Tam Phú vốn chỉ quen với việc "lớn" như bắt tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự... đã quyết tâm duy trì những “Nồi cháo nghĩa tình”.

Đều đặn mỗi tuần, các chiến sĩ Công an cùng nhau nấu cháo, sau đó mang đến Bệnh viện Thủ Đức phát cho bệnh nhân nghèo. “Cán bộ, chiến sĩ phường Tam Phú đã trích lương và tự mình nấu cháo mang đến phát cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Thủ Đức” - Trung tá Nguyễn Văn Tài, Trưởng Công an phường Tam Phú chia sẻ.

Mỗi ly cháo nghĩa tình phục vụ miễn phí cho bệnh nhân dù giá trị thực tế không nhiều nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn với những bệnh nhân nghèo trong lúc khó khăn và chứa đựng nghĩa tình của những người chiến sĩ. Nghĩa cử cao đẹp ấy đã giúp cho tình cảm giữa những người lính công an và người dân xích lại gần nhau thêm.

Ban đầu, các chiến sĩ Công an chỉ phát cháo miễn phí cho bệnh nhân vào sáng thứ sáu. Dần dần chương trình ngày càng có sức lan tỏa, nhận được sự ủng hộ của người dân nên đã hoạt động thêm vào sáng thứ tư với khoảng 400 suất mỗi sáng. “Chúng tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều nhà hảo tâm, các mạnh thường hỗ trợ cùng chúng tôi san sẻ cháo nghĩa tình cùng bà con còn khó khăn" - Trung tá Nguyễn Văn Tài mong muốn. 

Cô giáo của những bệnh nhi ung thư

Một trong tấm gương tiêu biểu giúp đỡ cho những bệnh nhi khó khăn là cô giáo Đinh Thị Kim Phấn. Từ năm 2009, tham gia chương trình “Ước mơ của Thúy” của báo Tuổi Trẻ với mục tiêu hỗ trợ tinh thần và vật chất cho các bệnh nhi ung thư, cô giáo Đinh Thị Kim Phấn đã tham gia phụ trách lớp học cho bệnh nhi tại Khoa Nhi, Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Mỗi tuần 2 buổi, chiều thứ sáu và sáng thứ bảy, lớp học lại rộn rã tiếng trẻ học bài với các môn Toán và tiếng Việt. Sau giờ học chữ, các bé được múa, hát, vui chơi thư giãn…

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng khen cho cô giáo Đinh Thị Kim Phấn. (ảnh: Long Hồ) Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng khen cho cô giáo Đinh Thị Kim Phấn. (ảnh: Long Hồ)

Có thể nói, lớp học chính là nơi đem niềm vui tinh thần đến cho các bệnh nhi tại Bệnh viện Ung bướu TP. Ban đầu chỉ dạy chương trình lớp 1 để các bé có thể biết đọc, biết viết tên của mình. Vài năm sau lớp phát triển, dạy các chương trình của lớp 2, 3, 4, 5... "Tôi đã chứng kiến nghị lực cũng như phải chia tay nhiều học sinh của mình. Dù mang bệnh nan y, dù đau đớn, dù phải truyền thuốc hàng ngày, nhưng các bé vẫn muốn được học, được chơi, được vui như bao trẻ em khác. Sự khao khát học tập, khao khát được sống của các bé tiếp thêm động lực cho tôi, làm được cái gì cho các bé dù là nhỏ nhất tôi sẽ làm", cô Kim Phấn chia sẻ.

Một trong những điểm đặc biệt của lớp học này là sĩ số mỗi buổi học không cố định vì tùy thuộc vào sức khỏe của các bé. Trong gần 9 năm qua có khoảng 700 học sinh đã theo học tại lớp học bệnh viện. Một số em khi được chữa khỏi bệnh đã về quê đi học, hòa nhập với cộng đồng. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lớp học ngày càng thu hút sự tham gia của cộng đồng. Đến nay, lớp có 8 giáo viên thay nhau giảng dạy và một lực lượng đông đảo sinh viên các trường đại học đến hỗ trợ. “Tôi và các cô giáo đồng nghiệp, các bạn sinh viên tình nguyện luôn cảm thấy hạnh phúc khi được nhận sứ mệnh cao cả này. Khi còn làm được điều gì tốt đẹp chúng tôi luôn sẵn sàng làm”, cô giáo Kim Phấn bộc bạch.

Góp sức mình lan tỏa thêm tình yêu biển, đảo quê hương

Trong những buổi giao lưu đầy xúc động khi Đoàn cán bộ chiến sĩ tiêu biểu của Quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 về thăm TPHCM mỗi độ xuân về, khán giả luôn thấy ca sĩ Nguyễn Phi Hùng hăng say ca hát, vui cùng các chiến sĩ như người thân trong gia đình. Kể về tình cảm dành cho biển, đảo của Tổ quốc, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng nhớ lại, với cảm xúc chân thành của người nghệ sĩ yêu nước qua bài thơ “Đi” của Thầy Trụ trì chùa Trường Sa Thích Tâm Trí, trong  chuyến đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 lần đầu tiên năm 2013, Nguyễn Phi Hùng đã sáng tác bài hát “Tiếng gọi non sông”. 

“Tiếng gọi non sông” là hành khúc rất đặc biệt với giai điệu thúc giục, hào hùng đầy khí thế kêu gọi mọi lớp người Việt Nam nhất là thanh niên lên đường bảo vệ biển, đảo yêu thương của Tổ quốc, tiếp nối truyền thống của dân tộc kiên cường không thể khuất phục. Từ năm 2013 đến nay, Nguyễn Phi Hùng đã 5 lần đến Trường Sa và Nhà giàn DK1, đem lời ca tiếng hát của mình như món quà tinh thần đặc biệt gởi đến các chiến sĩ ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, khích lệ chiến sĩ, thanh niên vững tin bảo vệ đất nước.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm trao Bằng khen cho ca sĩ Nguyễn Phi Hùng (ảnh: Long Hồ) Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm trao Bằng khen cho ca sĩ Nguyễn Phi Hùng (ảnh: Long Hồ)

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chia sẻ: "Cha tôi là một chiến sĩ cách mạng từng chiến đấu ở Trường Sơn và luôn giáo dục con mình về tinh thần cách mạng, về tình yêu quê hương đất nước. Bản thân tôi luôn vững niềm tin và có tình yêu máu thịt đối với quê hương, biển, đảo. Lại là một nghệ sĩ, tôi nghĩ cách tốt nhất để góp sức mình lantỏa thêm tình yêu biển, đảo quê hương đến nhân dân là qua những tác phẩm của mình".

Phản ánh những vấn đề bằng tâm thế của một người làm báo cách mạng

Thời gian qua, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TPHCM Lê Huyền Ái Mỹ đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện cùng tập thể tòa soạn, phóng viên nhằm cung cấp cho bạn đọc những góc nhìn, giá trị của tư tưởng, đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh. Cụ thể là việc tuyên truyền gìn giữ, bảo vệ, phát huy tinh thần liêm chính, khách quan, công bằng, vì lợi ích của nhân dân, vì mục tiêu xây dựng và phát triển xã hội, của đất nước, của TP; với tinh thần dấn thân trong nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội, trong đó có việc chọn lựa thái độ chống tiêu cực, các biểu hiện tiêu cực một cách kiên trì, không khoan nhượng.

Nhà báo Lê Huyền Ái Mỹ kể: “Tôi nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói nếu báo chí đã đấu tranh thì đấu tranh đến cùng, đấu tranh phải có kết quả thì công việc làm báo mới có ý nghĩa. Ý nghĩa đó chính là quyền lợi của nhân dân. Bác cũng từng nói báo chí trong quá trình phản ánh những mặt được và chưa được thì việc nêu điển hình rất tốt mà nêu khuyết điểm rất ít. Những vấn đề tiêu cực được nêu thì phải phân tích ra được bản chất vấn đề đó để đơn vị khắc phục. Bác yêu cầu tất cả việc đó phải làm tới cùng, và sau khi báo đăng phải theo dõi xem đã khắc phục hay chưa”.

Chia sẻ về việc vận dụng những lời dạy của Bác vào công tác của người làm báo, nhất là trong bối cảnh đội ngũ những người làm báo Việt Nam vừa phải đối diện với nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước trên mặt trận thông tin tuyên truyền, vừa đứng trước áp lực cạnh tranh trên lĩnh vực truyền thông báo chí, nhà báo Lê Huyền Ái Mỹ khẳng định: “Phản ánh những vấn đề quan trọng của TP bằng tâm thế của một người làm báo cách mạng, bằng kiến thức nền tảng tiếp cận sâu, thái độ một người làm báo khách quan, tỉnh táo mà tấm gương tiêu biểu chính là nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh. Chỉ có sự liêm chính, trung thực, hiểu biết, dấn thân mới giúp tờ báo đứng vững trong những thách thức hiện đại và vượt qua thách thức đó”.

Ngọc Tuyết – Nguyễn Nam

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo