Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Nhiều đại biểu góp ý về Luật Đặc xá (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại phiên thảo luận

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 11/6, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Các ĐB cơ bản tán thành với các quan điểm, định hướng xây dựng dự án Luật, cho rằng đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định đối với người bị kết án phạt tù, do đó các quy định về đặc xá phải có sự khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác đang được giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện. Tính chất đặc biệt này phải được thể hiện ở các nội dung chủ yếu là: thẩm quyền, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá.

ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho biết, khoản 1 Điều 10 của dự thảo Luật đang quy định nhiều điều kiện cụ thể của đặc xá cơ bản giống điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 của Bộ luật Hình sự. ĐB đề nghị cần quán triệt đặc xá là thể hiện sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng sửa đổi Luật phải khắc phục được những hạn chế, bất cập sau hơn 10 năm thi hành Luật Đặc xá trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành. Ngoài ra, để đáp ứng điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, quá trình sửa đổi Luật Đặc xá cần quán triệt quan điểm tham khảo kinh nghiệm tốt của các nước trên thế giới.

Góp ý về thời điểm đặc xá, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, thời điểm đặc xá nhân ngày lễ lớn nên quy định chỉ đặc xá vào năm chẵn, nếu áp dụng rộng quá sẽ làm mất ý nghĩa đặc xá. Chỉ nên áp dụng đặc xá với những đối tượng nhất định, không nên quy định đặc xá các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm khủng bố. Với đặc xá trong trường hợp đặc biệt, chỉ nên quy định trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối ngoại.

Theo ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), chỉ nên quy định hai thời điểm, sự kiện trọng đại của đất nước và trường hợp đặc biệt để khắc phục tình trạng đặc xá quá nhiều. Đồng thời quy định rõ trong luật, các lần đặc xá cách nhau 3 hoặc 5 năm, trừ trường hợp đặc biệt do Chủ tịch nước quyết định.

Cho rằng dự thảo luật được điều chỉnh theo hướng vừa mở rộng một số điều kiện nhưng lại thu hẹp ở một số điều kiện khác, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhìn nhận để luật sửa đổi đi đúng hướng, phải đánh giá đúng hạn chế, bất cập và nguyên nhân. Về điều kiện, theo ĐB phải đảm bảo chủ động linh hoạt cần thiết, đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật.

Trao đổi cùng các ĐB, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, trong 10 năm đã có 7 đợt đặc xá, tổng số người được đặc xá là khá lớn, hơn 85 ngàn người.

Phân tích sự khác nhau giữa đặc xá với tha tù trước thời hạn có thời hạn, được quy định ở Luật Hình sự, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu ví dụ nếu một người bị án tù 10 năm, đã chấp hành 5 năm được tha tù trước thời hạn nếu ra ngoài xã hội có tái phạm thì phải quay lại để chấp hành tiếp án phạt tù còn lại của bản án. Còn đặc xá là miễn phần hình phạt còn lại của bản án. Quy định về thời điểm và điều kiện cần khác nhau nhưng thể hiện như dự thảo luật lại có phần hơi giống nhau.

“Thẩm quyền đặc xá là của Chủ tịch nước, còn tha thù trước thời hạn là Chánh án các cấp. Điểm khác cơ bản là người được tha tù trước thời hạn khi ra ngoài có vi phạm phải quay lại tù tiếp tục chấp hành phần còn lại của bản án. Còn đặc xá tha là tha luôn. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, thời điểm đặc xá phải đúng là những sự kiện đặc biệt quan trọng, nhiều năm làm một lần chứ không nên làm mỗi năm một lần thì sẽ trùng với tha tù trước thời hạn”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo