Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Nhân dân rất quan tâm đến quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 20/5/2019

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 20/5, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về 2 dự án luật trên.

Theo tờ trình của Chính phủ, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh,  ngày 12/11/2018 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Do vậy việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở  hữu trí tuệ theo trình tự, thủ tục rút gọn là cần thiết.

Hầu hết các đại biểu (ĐB) nhất trí với tờ trình và báo cáo thẩm tra, các ý kiến đều bày tỏ sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ để bảo đảm sự tương thích với các cam kết quốc tế Việt Nam là thành viên, mà trực tiếp là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đáng chú ý, nội dung sửa đổi về cung cấp dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nhận được sự quan tâm của nhiều ĐB. Về quy định điều kiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm có các ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng người cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm chỉ cần có chứng chỉ thay vì những quy định bằng cấp như trong dự thảo. Không đồng tình với quan điểm này, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)  cho rằng, đi kèm theo việc cấp chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm, phải có một cơ sở đào tạo được phép đào tạo cấp chứng chỉ này.

“Nếu quy định bỏ những người đã học đại học hoặc trên đại học về lĩnh vực bảo hiểm mà chỉ để những người có chứng chỉ thì nghĩa là những người đã học đại học hoặc trên đại học có bằng bảo hiểm rồi vẫn phải quay trở lại học chứng chỉ thì mới được tư vấn bảo hiểm. Phải chăng chúng ta buộc người có trình độ cao hơn đi xuống học ở trình độ thấp hơn”- ĐB Hoàng Văn Cường đặt vấn đề.

Bày tỏ thống nhất về sự cần thiết với đề xuất của Chính phủ thông qua 2 dự án luật trên tại 1 kỳ họp theo thủ tục rút gọn, ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm cần đặt vấn đề lợi ích cộng đồng và lợi ích xã hội trước lợi ích thành viên. Đồng thời nên giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết  về tỷ lệ % mua bảo hiểm để đảm bảo nguồn tài chính tối thiểu để chi trả, khi các tổ chức cá nhân xảy ra sự cố nghề nghiệp còn có nguồn để xử lý. Bên cạnh đó, cá nhân cung cấp dịch vụ bảo hiểm cần có tiêu chuẩn như có văn bản, chuyên môn, tránh sự chênh lệch.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sửa đổi luật là để cụ thể hóa cam kết của Việt Nam khi phê chuẩn tham gia Hiệp định CPTPP. Nội dung sửa đổi luật phải tuân theo các cam kết khi tham gia do đó phải rà soát để nội luật hóa các nội dung cam kết. Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ 14/1/2019 cho nên lần này luật thông qua trong 1 kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, nhân dân rất quan tâm đến quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm cho nên sửa đổi luật phải tương thích đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước, cũng như phù hợp với thực tiễn trong quản lý kinh doanh bảo hiểm và sở hữu trí tuệ.

“Nhiều người hiểu nhầm quyền lợi bảo hiểm là do tư vấn viên tư vấn không chính xác. Do đó, nội dung sửa đổi cần đúng cam kết quốc tế, đồng thời phải phù hợp với thực tiễn cần quản lý kinh doanh bảo hiểm và sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Ví dụ như cần hạn chế tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra tràn lan hiện nay” - Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo