Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nghiên cứu hỗ trợ ngư dân ảnh hưởng do giá xăng, dầu

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 5/7, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về hỗ trợ ngư dân ảnh hưởng do giá xăng, dầu. Thủ tướng đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nghiên cứu để có chính sách phù hợp cho các đối tượng nông dân sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay, tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-50%, đặc biệt là các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiên liệu như: lưới kéo, nghề rê... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân. Điều này tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Để tháo gỡ những khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo đời sống, tạo động lực khuyến khích ngư dân an tâm sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Công thương và Bộ LĐTB-XH xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt 6 tháng.

* Ngày 6/7, Ủy ban ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ họp xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Trước đó, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Tờ trình số 244/TTr-CP trình UBTVQH về việc tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 như sau: Xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần (giá xăng tăng 13 lần và giảm 4 lần, trong đó có 2 lần giảm ngay sau khi thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của UBTVQH).

Trước tình hình giá xăng dầu tăng cao, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu, kiềm chế lạm phát trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, ngày 23/3/2022, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 để giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay, dầu hỏa) và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng cao. Với việc giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức trên 100 USD/thùng, giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng cao. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau dịch Covid-19. Do đó, Chính phủ trình giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo