Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ngành xuất bản Việt Nam - thực trạng và triển vọng

TS.Quách Thu Nguyệt lạc quan về triển vọng ngành xuất bản Việt Nam. (Ảnh: Lam Điền)

(Thanhuytphcm.vn) - “Ngành xuất bản Việt Nam lạc hậu vì không có những con người hiểu về nghề nghiệp xuất bản” - nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, người đã có 30 năm làm việc trong ngành xuất bản, đã nhận định như thế trong buổi tọa đàm “Ngành xuất bản hiện nay - Thực trạng và triển vọng” diễn ra tại Đường Sách TPHCM vào ngày 9/9.

Theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, trước năm 1975, ở Hà Nội chưa có nhà xuất bản (NXB) nào đạt chuẩn chuyên nghiệp. Giữ vị trí Giám đốc các NXB thường là những cây bút tên tuổi, có vai vế trong Hội Nhà văn hơn là có chuyên môn hoặc am hiểu về lĩnh vực xuất bản; tương tự, các biên tập viên cũng chủ yếu là nhà báo, nhà văn chuyển sang làm công tác biên tập hơn là được đào tạo bài bản cho ngành xuất bản. Đến nay, sự không chuyên nghiệp đó vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Giới xuất bản ít có những nghiên cứu chuyên sâu về nghề nghiệp, vẫn còn tình trạng những biên tập viên đã tích lũy được kinh nghiệm, thích ứng và làm rất tốt công tác biên tập thì lại bị thuyên chuyển.

“Hiện tại, mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhưng thẳng thắn mà nói ngành xuất bản Việt Nam vẫn còn lạc hậu không chỉ với thế giới và trong khu vực mà còn với chính kỳ vọng và tiềm năng của chính mình”, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn chia sẻ. Trước năm 1945, tác phẩm Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng) ra đời đã được in đến 14.000 bản trong khi dân số Việt Nam chỉ có 25 triệu người. So với đó, con số trên dưới 2.000 bản in/đầu sách cho hơn 90 triệu dân hiện nay là quá thấp. Chưa bàn đến khả năng vượt biên giới, tạo được ảnh hưởng ở quốc gia khác, yêu cầu “vượt qua thời gian để tồn tại” của sách vở hiện nay đã là khó. Trong khi các tác phẩm từ thời tiền chiến vẫn được liên tục tái bản và được bạn đọc hiện đại rất ưa thích thì hiện nay có nhiều cuốn sách chỉ mới qua 1 - 2 năm đã trôi vào quên lãng…

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cũng chia sẻ thông tin về những nền xuất bản có ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam như Liên Xô trước đây và Trung Quốc. Cả Liên Xô và Trung Quốc đều có nền xuất bản rất phát triển, hỗ trợ tích cực cả 2 chiều đầu tư cho tác phẩm xuất bản và quảng bá, giới thiệu tác phẩm đến đông đảo bạn đọc. Trong khi nền xuất bản Việt Nam vẫn còn manh mún thì trên thế giới và khu vực đã có những “ông trùm” xuất bản với tiềm lực tài chính mạnh, hoạt động chuyên nghiệp và “rất có nghề”.

Tham gia trao đổi tại tọa đàm, TS.Quách Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty Đường Sách TPHCM, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, đã chia sẻ cùng nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn về sự cần thiết của những “đại gia xuất bản”. Tuy nhiên, nói đến ngành xuất bản hiện nay thì không chỉ có 60 NXB công lập mà còn cả hàng trăm đơn vị xuất bản tư nhân đang hoạt động, tích cực tìm kiếm khai thác bản thảo khắp nơi để giới thiệu đến bạn đọc. Theo TS Quách Thu Nguyệt, hiện nay, nhất là ở khu vực phía Nam, có rất nhiều “ông trùm” ngành xuất bản. Tuy không xuất hiện ồn ào nhưng họ có hệ thống biên tập viên và phát hành có năng lực không thua gì NXB Khai Trí trước năm 1975. Chính các NXB này đang làm nên đời sống sôi nổi của ngành xuất bản hiện nay.

Cũng theo TS.Quách Thu Nguyệt, hiện ngành xuất bản còn có những “ông trùm” khác nữa là những cộng đồng mạng với chủ yếu là những người trẻ bằng cách riêng của mình đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc, chia sẻ, giới thiệu những đầu sách chất lượng đến cộng đồng. “Ngành xuất bản Việt Nam đã có bước chuyển mình tích cực từ sau công cuộc đổi mới. Việc hình thành Đường Sách TPHCM rồi lan tỏa đến Hà Nội, Đà Nẵng và sắp tới TPHCM sẽ có thêm những đường sách tại Quận 7, Quận 5, quận Gò Vấp… là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển của ngành xuất bản. Điều quan trọng hiện nay là chúng ta phải làm sao để hiệu quả này lan tỏa được ở cả 63 tỉnh thành trong cả nước. TPHCM định hướng xây dựng TP có chất lượng sống tốt, Bộ Giáo dục - Đào tạo nỗ lực xây dựng xã hội học tập và những điều ấy chỉ thành hiện thực trên nền tảng sự phát triển của văn hóa đọc, sự tiến bộ của ngành xuất bản. Tôi tin rằng với sự chung tay cố gắng của Nhà nước và cả cộng đồng, ngành xuất bản nước nhà sẽ phát triển nhanh”, TS. Quách Thu Nguyệt bày tỏ.

Đóng góp vào “những việc cần làm ngay” để thúc đẩy ngành xuất bản, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đề xuất nên có một mạng thông tin hiệu quả về xuất bản, tạo nền tảng cho việc phát triển ngành một cách cơ bản, góp phần mang lại nhiều lợi ích cho bạn đọc thông qua các ấn phẩm giá trị.

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo