Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ngành giáo dục đặt mục tiêu phòng dịch hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị ngày 5/2.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 5/2, Bộ GD-ĐT tổ chức ra tại hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD-ĐT sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2020-2021 đối với giáo dục trung học.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Thành cho biết, từ việc nắm bắt kỹ lưỡng nhiệm vụ năm học, các địa phương đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả hoạt động đổi mới giáo dục; triển khai nhiều giải pháp tạo tiền đề quan trọng để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới sẽ áp dụng với lớp 6 từ năm học 2021-2022. Cơ sở giáo dục trung học trên toàn quốc đã tiến hành rà soát chương trình các môn học và hoạt động giáo dục, bổ sung, cập nhật những thông tin, thành tựu mới về khoa học thay thế cho những thông tin không còn phù hợp. Các tổ/nhóm chuyên môn trong nhà trường chủ động rà soát SGK, điều chỉnh nội dung dạy học trong sách theo hướng tinh giản như hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT mà Bộ GD-ĐT đã ban hành.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết, việc biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương; chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để dạy học lớp 6 theo chương trình mới, đang được các tỉnh tích cực triển khai. Đến nay, đã có 85% giáo viên phổ thông cốt cán và trên 95% cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán đã hoàn thành 3 modul tập huấn (modul 1, 2, 3). Công tác bồi dưỡng cán bộ, giáo viên đại trà cũng tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu năm 2021 hoàn thành bồi dưỡng 4 modul cho tất cả giáo viên.

Hàng loạt khó khăn của giáo dục trung học cũng được chỉ ra như trình độ công nghệ thông tin của giáo viên có hạn chế nên quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục như tổ chức dạy học trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và triển khai hồ sơ điện tử, học bạ điện tử, công tác bồi dưỡng theo Chương trình giáo dục 2018… gặp khó khăn; vấn đề về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên chưa đồng đều; cơ cấu giáo viên chưa thực sự hợp lý, đặc biệt là việc thừa thiếu cục bộ giáo viên… làm ảnh hưởng đến công tác thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong học kỳ vừa qua.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, học kỳ II năm học 2020-2021 có khả năng diễn ra trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Hiện nay, ngành giáo dục đã có cả học sinh và giáo viên bị nhiễm nCoV; một số trường trở thành khu cách ly. Do đó Sở GD-ĐT các tỉnh thành cần chỉ đạo các nhà trường kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch một cách tốt nhất. Tuyệt đối không chủ quan và có tinh thần chuẩn bị cao hơn để đảm bảo thực hiện mục kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa hoàn thành tốt kế hoạch nhiệm vụ năm học đã đề ra.

Song song đó, thực hiện tốt việc triển khai hiệu quả chương trình GDPT mới vì khối giáo dục trung học, năm học 2021-2022 sẽ bắt đầu áp dụng chương trình chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6. Nhiều môn học mới và những đòi hỏi cao hơn về phương pháp, nên rất cần sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các địa phương và toàn ngành giáo dục, trong đó giáo viên luôn là bài toán gốc để nâng cao chất lượng giáo dục. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các sở chú trọng công tác bố trí và bồi dưỡng giáo viên dạy học lớp 6 năm học 2021-2022. Các thầy cô được lựa chọn phải là người giỏi chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm; cần tập huấn kỹ lưỡng cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhất là modul “gốc” cung cấp toàn bộ thông tin mới về chương trình, các mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung, phương pháp mới…

Về tình trạng thừa thiếu giáo viên về cơ cấu, số lượng ở một số địa phương, nhất là với tiêu chuẩn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các Sở GD-ĐT chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án sớm giải quyết. Bộ GD-ĐT cũng rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp lý để tạo cơ chế giúp địa phương giải bài toán này.

Theo Bộ GD-ĐT, kết thúc học kỳ 1, qua báo cáo sơ bộ từ 63 Sở GD-ĐT cho thấy, chất lượng giáo dục đã có sự cải thiện so với cùng kỳ năm học 2019-2020. Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt và học lực giỏi của cả hai cấp đã tăng lên; tỉ lệ xếp loại hạnh kiểm yếu, học lực yếu, kém đã giảm.

Năm học 2020-2021, khối giáo dục trung học thực hiện việc kiểm tra đánh giá học sinh theo thông tư mới - Thông tư 26/2020/TT-BGD-ĐT. Theo đó, hoạt động kiểm tra, đánh giá được thực hiện trên tinh thần đánh giá vì sự tiến bộ của người học, định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Các hình thức kiểm tra đánh giá được đa dạng hoá, có thể tiến hành trực tiếp hoặc trực tuyến (trừ kiểm tra định kỳ) thông qua: hỏi - đáp; viết ngắn; thuyết trình; thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể. Bước đầu ghi nhận, các địa phương đã cơ bản thực hiện đúng Thông tư, dù có nơi ban đầu còn lúng túng; việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá ở một số cán bộ quản lý, giáo viên còn chậm…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo