Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nâng tỷ lệ văn bản ký số, giải quyết hồ sơ trên nền điện tử

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 13/6, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã làm việc với các bộ, ngành về thực hiện nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử.

Nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường sự minh bạch hơn nữa trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, phương châm là “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy; nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhận thức về Chính phủ điện tử ở các cấp, các ngành đã rõ nét hơn; huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân, hỗ trợ của quốc tế, những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước. 100% bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã kết nối, liên thông và gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Từ ngày 12/3/2019 đến ngày 12/06/2019, đã có 46.202 văn bản gửi và 130.989 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Thay vì gửi, nhận văn bản hồ sơ giấy, việc chuyển hồ sơ điện tử mỗi năm tiết kiệm được 1.200 tỷ đồng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, dự kiến ngày 24/6 sẽ khai trương Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-cabinet), tháng 11/2019, khai trương cổng dịch vụ công quốc gia. Trước mắt, Văn phòng Chính phủ làm việc với 4 Bộ: Công Thương, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội áp dụng phần mềm xử lý văn bản, thực hiện e-cabinet xuống tới thành viên Chính phủ, tới Bộ trưởng, toàn bộ phần mềm xử lý văn bản nội bộ trước đây được thay bằng phần mềm xử lý nội bộ đã thực nghiệm tại Văn phòng Chính phủ.

Tại buổi làm việc, các bộ, ngành đã báo cáo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, về ứng dụng văn bản điện tử, hiện nay hoàn toàn áp dụng chữ ký số đối với đơn vị thuộc Bộ. Tất cả văn bản các đơn vị gửi cho nhau đều có chữ ký số và không sử dụng văn bản giấy, trừ trường hợp giấy phép hoặc liên quan đến tính pháp lý lâu dài như khen thưởng hoặc bổ nhiệm, lúc đó phải sử dụng bản giấy song song. Dự thảo văn bản gửi ra bên ngoài vẫn phải ký “tươi”, do vướng mắc về tính pháp lý liên quan Thông tư 01/2019/TT-BNV quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư và Nghị định 110/NĐ-CP về công tác văn thư.

Làm rõ thêm, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, khi Đề án lưu trữ tài liệu điện tử trong các cơ quan nhà nước được Thủ tướng ký ban hành phê duyệt và tổ chức thực hiện thì bản gốc của văn bản điện tử được lưu ở trên hệ thống tương tự như lưu ở trong tủ giấy của cơ quan. Tuy nhiên, các tài liệu được lưu trữ hiện đang chưa phù hợp với quy định của Luật Lưu trữ, vì theo quy định của Luật, các văn bản tài liệu lưu trữ phải được lưu trữ ở cơ quan lưu trữ của nhà nước chứ không phải trên máy chủ của các doanh nghiệp đang cung cấp. Hiện tại, lưu các tài liệu điện tử được phát hành đi cũng chưa hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Lưu trữ. Chính vì vậy, cần thiết xem xét ban hành Đề án về lưu trữ tài liệu điện tử.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo