Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ còn yếu kém

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn

(Thanhuytphcm.vn) - Trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 19/3, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Chu Ngọc Anh đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng KHCN thúc đẩy tăng năng suất lao động và ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên chất vấn. Cùng dự có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành và các ĐBQH chuyên trách.

Hiệu quả ứng dụng KHCN chưa đáp ứng kỳ vọng

Báo cáo của Bộ KHCN cho thấy, giai đoạn 2016-2018, chi ngân sách nhà nước cho KHCN được đảm bảo ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Cơ cấu kinh phí đầu tư phát triển/kinh phí sự nghiệp KHCN tiếp tục được đảm bảo theo tỷ lệ 40/60. Nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ liên tục gia tăng.

Tính đến hết năm 2017, có 640 tổ chức KHCN là đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực KHCN, 3.590 tổ chức đăng ký hoạt động KHCN, 303 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN; 43 tổ chức được cấp Giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao. Tổng doanh thu năm 2016 của các doanh nghiệp KHCN đạt hơn 14.402 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 1.290 tỷ đồng, giải quyết hơn 16.600 việc làm. KHCN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Tuy nhiên, hiệu quả ứng dụng các kết quả nhiệm vụ KHCN trong thực tiễn còn chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, doanh nghiệp cũng như mục tiêu đề ra của chính các nhà khoa học và cơ quan đầu tư cho KHCN. Việc đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn còn gặp khó khăn do thị trường KHCN chưa phát triển, thiếu các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung - cầu. Doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất, kinh doanh; năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ còn rất yếu kém.

Toàn cảnh phiên chất vấn Toàn cảnh phiên chất vấn

Ứng dụng KHCN để phát triển nông nghiệp

Là đại biểu chất vấn đầu tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến đặt vấn đề về cơ chế chính sách thời gian tới nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, việc thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu là trọng tâm công tác và trăn trở của Bộ hiện nay. Chủ trương đã có nhưng thiếu cơ chế chính sách để hỗ trợ cho quá trình thương mại hóa.

Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về những giải pháp cơ bản để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của tăng trưởng nền kinh tế đất nước, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, đây là vấn đề trúng, đúng, nhưng cũng rất rộng lớn. Tại Diễn dàn phát triển Việt Nam (VDF), Thủ tướng đã đặt ra yêu cầu tập trung mọi nguồn lực để nâng cao năng suất lao động, đây là cơ sở cho phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn tới.

Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ đã thể hiện rõ các nhóm giải pháp và đã có 16 nhóm giải pháp trong Nghị quyết 24 của Quốc hội. Giải pháp của Bộ là tập trung mọi điều kiện, từ nội lực là các kết quả nghiên cứu, từ hỗ trợ chuyển giao công nghệ để đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Cụ thể, sẽ tác động mạnh vào 4 nhóm đối tượng công nghệ là nhóm doanh nghiệp dẫn dắt về công nghệ (bằng việc tạo điều kiện để triển khai các hoạt động nghiên cứu), nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm doanh nghiệp là các doanh nghiệp trực tiếp chuyển biến kết quả nghiên cứu và nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đề cập đến một vấn đề nóng hiện nay là việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã phát hiện những tồn tại bất cập, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến chất vấn: “với tư cách là người đứng đầu ngành KHCN quốc gia, thúc đẩy sự phát triển của KHCN, công nghệ cao, đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng đã chỉ đạo triển khai thực hiện những giải pháp trọng tâm nào nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng đầu tư công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân Việt Nam”?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay, chủ trương ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đã được thực hiện từ lâu. Theo Luật công nghệ cao, bên cạnh các chương trình hỗ trợ cụ thể, chúng ta có các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao để tập trung vào thu hút các dự án sản xuất công nghệ cao. Phối hợp giữa Bộ Khoa học – Công nghệ và Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn trong việc phân cấp các khu, dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rất chặt chẽ. Vừa qua, triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, có 273 doanh nghiệp tham gia, Bộ đã đặt ra những tiêu chí xem xét rất ngặt nghèo, đúng đối tượng để thúc đẩy, khuyến khích.

Làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, những thành tựu đạt được trong nông nghiệp thời gian qua có nhóm nguyên nhân về chính sách, về trình độ lao động và khoa học công nghệ. “Khoa học công nghệ rất then chốt, quyết định đến tính hiệu quả, tính cạnh tranh”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Theo Bộ trưởng, thách thức cho nông nghiệp trong thời gian tới rất lớn, để nông nghiệp phát triển, phải ứng dụng KHCN. Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội đã đưa KHCN là giải pháp then chốt để có chương trình hành động cụ thể.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo