Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nâng cao nhận thức về giáo dục giới tính, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ cho gia đình

Quang cảnh tại hội nghị.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 15/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TPHCM tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại TPHCM. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TPHCM Trần Thị Huyền Thanh chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TPHCM, tính đến ngày 8/12/2020, trên địa bàn TP có 64 vụ xâm hại trẻ em, 3 vụ xâm hại phụ nữ, 9 vụ bạo lực trẻ em và 2 vụ bạo lực phụ nữ. Độ tuổi trong các vụ xâm hại trẻ em tập trung từ 13 đến 16 tuổi. Trong thời gian qua, trong phạm vi chức năng của Hội, các cấp Hội Phụ nữ đã và đang phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức liên quan vào cuộc quyết liệt, kiên trì với mục tiêu bảo vệ quyền lợi của bị xâm hại, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, truy tố đúng người, đúng tội.

Đồng thời, các cấp cũng thực hiện giám sát việc giải quyết các vụ việc xâm hại và bạo lực trẻ em, khi tiếp nhận vụ việc Hội đều chủ động có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét giải quyết theo đúng quy định pháp luật tố tụng nhằm bảo vệ quyền trẻ em; đồng thời đề nghị luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý, luôn đeo bám theo dõi tiến độ giai quyết, đối với các vụ việc phức tạp, từng trường hợp. Hội chủ động trao đổi làm việc trực tiếp với cơ quan công an theo đúng quy định pháp luật để lắng nghe thông tin đầy đủ, chính xác nội dung vụ việc và tham gia cùng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố giám sát các vụ việc.

Ngoài ra, biến vụ việc; đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ nạn nhân và gia đình với mục tiêu bảo đảm sự an toàn, hỗ trợ, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân; tư vấn, cung cấp kiến thức, hỗ trợ pháp lý cho gia đình các em. Đồng thời, các biện pháp, hình thức hỗ trợ về tinh thần, vật chất, can thiệp về mặt pháp lý của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ đã mang lại một số hiệu quả nhất định, giúp nạn nhân và gia đình ổn định tinh thần, vượt qua khủng hoảng, khó khăn để tiếp tục đi học, đi làm, được tư vấn pháp luật và có luật sư hỗ trợ pháp lý từ giai đoạn điều tra đến truy tố, xét xử vụ án.

Tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng hiện nay số vụ xâm hại tình dục có chiều hướng gia tăng nhưng việc xử lý của các cơ quan chức năng, trong một số vụ việc, còn chậm, gây bất xúc dư luận. Bên cạnh đó, mức phạt đối với những vụ quấy rối tình dục còn thấp, chưa có tính răn đe; Một số vụ việc việc tố giác tội phạm chậm nên gây khó khăn trong công tác thu thập chứng cứ, các trẻ em còn nhỏ nên không nhận biết sự việc xảy ra, không nhớ rõ thời gian, địa điểm nên chưa cung cấp đầy đủ, chính xác nội dung vụ việc; Khó khăn trong xử lý các vụ xâm hại, bạo lực trẻ em là thường chỉ có lời khai của các bé, không có người làm chứng, không có hình ảnh, không có camera,... để chứng minh tội phạm…

Các đại biểu trao đổi tại hội nghị. Các đại biểu trao đổi tại hội nghị.

Do vậy các đại biểu đề nghị cần tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến, trên mạng xã hội, hội thi, hoạt động ngoại khoá, phiên toà giả định tại các trường học, khu nhà trọ, khu dân cư về phòng, chống bạo lực, xâm hại giúp học sinh, sinh viên, người dân có thêm kiến thức pháp luật, kỹ năng tự vệ phòng vệ, tự bảo vệ trước các tình huống xấu…

Bên cạnh đó, cần xây dựng các khu vui chơi công cộng, tăng cường tổ chức các hoạt động giải trí lành mạnh để các trẻ em tham gia, đặc biệt tại các khu lưu trú, khu nhà trọ có đông con em người lao động nhập cư sinh sống…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP Trần Thị Huyền Thanh yêu cầu các cấp hội cần đề ra các giải pháp giúp các cấp Hội phối hợp tốt với các đơn vị, các cơ quan có liên quan trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn; Nâng cao nhận thức về giáo dục giới tính, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ cho gia đình, các ông bố, bà mẹ, trẻ em.

Bên cạnh đó, cần các giải pháp an toàn cho trẻ em trong gia đình, xã hội, trường học, an toàn trong môi trường mạng; Phát huy vai trò của các cấp hội trong hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TP. Ngoài ra, cần phát huy hiệu quả chương trình phối hợp 4 ngành Công an, Phụ nữ, Viện Kiểm sát và Toà án trong tham gia bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo