Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Một thời Thanh niên xung phong Sài Gòn - Gia Định trưởng thành trong gian khổ, hy sinh

Đoàn cán bộ, công nhân viên Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM viếng các liệt sĩ LL TNXP TPHCM tại Đền Bến Cầu - Tây Ninh năm 2018

(Thanhuytphcm.vn) - Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, qua nhiều thế hệ lực lượng thanh niên xung phong đã không tiếc xương máu của mình để làm nên những chiến công vĩ đại. Đến nay, 70 năm kể từ tháng 7/1950 chính thức thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong (LL TNXP), đã có 65 vạn đội viên TNXP đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần, và đã có 39 vạn đội viên TNXP tham gia trực tiếp tại các chiến trường, trong đó có TNXP khu Sài Gòn - Gia Định, cũng như TNXP các thế hệ hiện nay tại TPHCM.

Từ khi thành lập LL TNXP trong những ngày cuộc kháng chiến chống Pháp đi vào ác liệt, hàng triệu lượt TNXP và Đoàn thanh niên Sài Gòn - Gia Định đã không ngần ngại đi vào chiến trường nóng bỏng ở miền Nam với các đoàn quân, các đoàn dân công hỏa tuyến hay TNXP phục vụ trên các chiến trường ác liệt. Tại Nhà tưởng niệm Bến Cầu của LL TNXP hiện nay ta chỉ mới biết được có 28 liệt sĩ của LL TNXP Sài Gòn - Gia Định đã hy sinh trên các chiến trường, cùng hàng ngàn thương binh trong LL TNXP Sài Gòn - Gia Định trở về nay đang được các địa phương giúp đỡ để xây dựng cuộc sống.

Đi vào giai đoạn ác liệt kháng chiến chống Mỹ, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tháng 4/1965, tại Hội nghị cán bộ thanh niên do Thường vụ Khu ủy triệu tập đã quyết định thành lập Khu Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng khu Sài Gòn - Gia Định. Dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, sự chỉ huy trực tiếp của Khu đoàn, từng Đoàn ủy phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong công tác vận động, tập hợp quần chúng thanh niên, cũng như phương thức đấu tranh, giữ bí mật, bảo toàn lực lượng, trong đó có một bộ phận lớn là LL TNXP… Cuối tháng 12/1967, Trung ương Cục và Khu ủy Sài Gòn - Gia Định triệu tập hầu hết những cán bộ cốt cán của Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định triển khai Nghị quyết Quang Trung, chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích tổng khởi nghĩa. Tại đây, Khu ủy quyết định đổi tên Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định là Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định[[1]], giao nhiệm vụ cho Thành đoàn và LL TNXP tập trung chỉ đạo đấu tranh nội đô và tổ chức lại toàn bộ hệ thống cơ sở theo hình thức ba lực lượng: vũ trang biệt động, chính trị vũ trang và chính trị công khai để tham gia tích cực nhất vào tổng công kích, tổng khởi nghĩa Xuân 1968.

Trước đó, tháng 11/1964, phong trào thanh niên nổ ra chống thủ tướng Trần Văn Hương bùng nổ toàn thành. Thanh niên, sinh viên và học sinh các trường Pétrus Ký, Gia Long, Cao Thắng, Hưng Đạo, Văn Lang, Đạt Đức, Bồ Đề, Lê Quý Đôn… đều bãi khoá, xuống đường, chiếm trường làm phòng tuyến và dùng gạch đá, đánh trả quyết liệt những cuộc đàn áp của cảnh sát. Ngày 25/11/1964, Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn tổ chức hội thảo đòi lật đổ Trần Văn Hương, đòi tự do dân chủ học đường, đả đảo sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Đầu năm 1967, phong trào đòi tự trị đại học được phát động trong các trường Đại học: Y khoa, Sư phạm, Khoa học, Dược khoa, Phú Thọ, Nông Lâm Súc. Từ tháng 7/1971, phong trào đấu tranh chống quân sự hoá học đường, chống tăng học phí trường tư, đòi quyền tự trị đại học, chống độc tài, độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu diễn ra mạnh mẽ từ sinh viên, học sinh thành phố. Đặc biệt, trong suốt những năm này, phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của thanh niên, sinh viên và trí thức Sài Gòn, từ chỗ nơi tập trung ban đầu là khu Trường Đại học Văn Khoa (nay là điểm của ĐH KHXH &NV), khu “Hồ con rùa”, sau lan sang toàn các trường Đại học tại Sài Gòn - Gia Định và nhiều đô thị ở miền Nam, để bảo thị tinh thần yêu nước.

Phong trào đấu tranh vũ trang chống Mỹ quyết liệt tại Sài Gòn - Gia Định từng ngày vào các năm 1965-1968 diễn ra rất sôi động, mà từng chiến sĩ TNXP luôn đi đầu trong nội ô Sài Gòn. Thực hiện chủ trương của Khu ủy Sài Gòn, củng cố và phát triển đội vũ trang “Quyết tử” sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu cách mạng trong Đoàn thanh niên và TNXP. Đội vũ trang 9/1 ra đời tại nội thành. Đội gồm 3 tổ vũ trang thuộc 3 cánh thanh niên công nhân lao động, thanh niên, sinh viên, học sinh… và một tổ hậu cần đảm bảo chiến đấu. Khi quân lính đế quốc Mỹ vào Sài Gòn ngày càng nhiều, phong trào đánh Mỹ nổ ra trên khắp các đường phố Sài Gòn, ngay trong những cơ sở, nhà ở của chúng… Giữ vững tư tưởng tiến công trên khắp ba vùng chiến lược, lực lượng TNXP và Đoàn thanh niên đã phát động phong trào “Tìm ngụy mà đánh, tìm Mỹ mà diệt”. Chỉ trong một thời gian ngắn, cách đánh dùng lựu đạn ném vào xe Mỹ, ném vào các bãi chờ xe buýt của bọn chuyên viên quân sự Mỹ… đẩy chúng vào tình thế phải đối phó bị động. Lực lượng vũ trang của Thành Đoàn và TNXP đã trở thành các Đội vũ trang tuyên truyền giỏi của lực lượng trẻ nòng cốt.

Sau ngày đất nước thống nhất, từ các phong trào phục vụ chiến đấu của TNXP đi phuc vụ chiến trường K, đi khai hoang cac vùng bưng biền... mà TNXP đã đi bất cứ nhiệm vụ gì khi Tổ quốc cần và đã có nhiều liệt sĩ là TNXP đã hy sinh tại chiến trường K. Những cống hiến cao đẹp đó, đã được Thành ủy, UBND TP và Nhân dân TP đánh giá cao, sau giải phóng LL TNXP TPHCM đã 2 lần (năm 1986 và 2006) được Chủ tịch nước tuyên dương Anh hùng Lao động và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Các công trình TNXP của thành phố vẫn không ngừng phát huy tác dụng sau 45 năm Ngày Sài Gòn - Gia Định - TPHCM được giải phóng, để TNXP TP mãi mãi là niềm tự hào của một LL trẻ luôn giáo dục cho từng đội viên TNXP đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.

Phạm Bá Nhiễu
-----------------------------------------

[1] Thành Đoàn TNCS TP.Hồ Chí Minh, tham luận tại Hội thảo Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam.

 


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo