Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Một số phương án đơn giản hóa danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chỉ mang tính gộp cơ học

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu

(Thanhuytphcm.vn) - Một số bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh này, lại phát sinh thêm nhiều điều kiện kinh doanh khác, đây là một thực tế được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin tại buổi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra 17 bộ, cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, sáng 30/5.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay, hầu hết các bộ đã xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh với tỷ lệ đạt từ 33% đến hơn 50%. Tuy nhiên, nhiều điều kiện kinh doanh của một số bộ không cần thiết nhưng chưa đề cập trong phương án đơn giản hóa, cắt giảm; hoặc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh này, lại phát sinh thêm nhiều điều kiện kinh doanh khác.

Dẫn chứng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đưa ra là ngày 1/3/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Nghị định 27 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, 11 điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa nhưng  phát sinh thêm 115 điều kiện kinh doanh bổ sung.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian gần đây, các cơ quan báo chí thông tin về việc các bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh, tuy nhiên, chính thức cho đến hôm nay mới chỉ có Bộ Công thương đã cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh bằng Nghị định 08. Còn các bộ, ngành khác mới đang ở quá trình rà soát, không phải là cắt bỏ. Công bố như vậy là chưa đúng thực chất, chưa đúng tinh thần của Chính phủ kiến tạo và chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị cần công khai bộ nào đã rà soát và cắt giảm bao nhiêu, bao nhiêu thời gian để trình, nêu rõ “điều kiện kinh doanh phải xử lý bằng nghị định chứ không phải điều kiện kinh doanh là điều chuyển sang thông tư để lách luật, để làm việc không đúng”.

Giải trình trước Tổ công tác, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin – Truyền thông Võ Thanh Lâm cho biết, thực hiện thông báo của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, nâng cấp các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh đưa lên thành nghị định, Bộ đã rà soát, ban hành Nghị định 27. “Toàn bộ các điều kiện kinh doanh trong Nghị định 27 đều là các điều kiện quy định tại 4 thông tư của Bộ đã ban hành rồi, sau đó đã được rà soát theo thông báo của Thủ tướng Chính phủ. Đây không phải Bộ đưa ra các điều kiện kinh doanh mới”, ông Võ Thanh Lâm khẳng định.

Quang cảnh buổi làm việc Quang cảnh buổi làm việc

Giải trình này không nhận được sự đồng tình từ phía Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM. Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho hay, Nghị định 27 nâng cấp toàn bộ các điều kiện kinh doanh trong thông tư, cắt được 11 điều kiện kinh doanh, còn 115 điều kiện kinh doanh. Làm rõ hơn, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) khẳng định “cắt bỏ 11 điều kiện kinh doanh thì không phải, mà chỉ là sửa 11 điều kiện kinh doanh. Chúng tôi cộng lại, có 115 điều kiện kinh doanh được bổ sung trong Nghị định 27”.

Khép lại phần tranh luận này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bình luận: “Liên quan đến điều kiện kinh doanh của Bộ Thông tin Truyền thông có tới 4 số liệu. Nhưng tóm lại, đến nay, Bộ Thông tin Truyền thông là Bộ duy nhất chưa rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, chỉ cộng cơ học...”.

Tổng hợp của Tổ công tác cho thấy, sau các cuộc kiểm tra chuyên đề đối với các bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hoạt động kiểm tra chuyên ngành có chuyển biến nhất định, như đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm (như Bộ Khoa học và công nghệ đã chuyển 93,3% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành sang hậu kiểm); giảm cơ bản danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo; đẩy mạnh công nhận lẫn nhau, xã hội hóa công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, không còn tình trạng độc quyền; thực hiện cải cách, cắt giảm một số thủ tục hành chính chồng chéo…

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo và mong đợi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều bất cập, tồn tại của công tác kiểm tra chuyên ngành chưa được khắc phục triệt để. Một số phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành còn mang tính chất hình thức để đạt được mục tiêu của Chính phủ; một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chỉ mang tính gộp cơ học để giảm về số lượng nhưng thực chất các hàng hóa, sản phẩm này vẫn phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành hoặc phải đáp ứng điều kiện kinh doanh như trước đây. Còn tình trạng “điện tử nửa vời” trong các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tiến độ thực hiện nhiệm vụ rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chậm, một số Bộ chưa tích cực.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo