Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Mong người dân cùng chia sẻ khó khăn với TP để thực hiện phòng chống dịch cho tốt trong thời gian tới

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp báo

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 13/9, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng Covid -19 trên địa bàn TP. Các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP chủ trì buổi họp.

Ứng dụng dùng chung sẽ tích hợp nhiều dữ liệu

Tại buổi họp báo, trả lời về các túi thuốc điều trị F0 tại nhà cũng như tình trạng có những quảng cáo, mời chào mua thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, hiện chỉ có gói thuốc A (hạ sốt, vitamin) là người dân có thể tự mua ngoài hiệu thuốc, còn 2 gói thuốc còn lại không được bán rộng rãi.

TP hiện có hơn 60.000 F0 đang điều trị tại nhà. Bộ Y tế và Sở Y tế TP đã cho phép các F0 khi có triệu chứng chuyển nặng (mệt, khó thở, chỉ số SpO2 dưới 95%) có thể uống 1 liều kháng đông kháng viêm (gói B) trong khi chờ bác sĩ tới, sử dụng không quá 3 ngày. Gói thuốc B này người dân không tự mua được. Đối với gói thuốc C là thuốc kháng virus Molnupiravir đang rất được kỳ vọng, là chương trình can thiệp có kiểm soát của Bộ Y tế nên người dân không thể mua được ở ngoài, sử dụng trên F0 có triệu chứng (mệt mỏi, sốt…). Thuốc có công dụng rút ngắn thời gian mắc bệnh và giảm nguy cơ lây lan, hiện vẫn đang chờ Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế công nhận.

“Ngoài thuốc hạ sốt, vitamin người dân có thể tự mua, hiện không có thuốc nào trị Covid-19 được ngành y tế khuyến cáo mua ở ngoài để tự sử dụng” -  đồng chí Tăng Chí Thượng cho biết.

Vấn đề xét nghiệm kháng thể đối với F0 tự điều trị khỏi tại nhà nhưng không thông báo cho y tế địa phương để coi như điều kiện được cấp “thẻ xanh”, PGS.TS Tăng Chí Thượng thông tin, Bộ Y tế không có khuyến cáo làm xét nghiệm này. Việc xét nghiệm kháng thể hiện nay nhiều bệnh viện vẫn đang sử dụng nhưng kết quả này không đủ giá trị để khẳng định hay kết luận người đó đã nhiễm Covid-19 hay chưa.

Trả lời câu hỏi các tiêu chí TP chưa đạt được khi thực hiện tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 tại TPHCM và các địa phương đang thực hiện Chỉ thị, PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết, tiêu chí yêu cầu số ca mắc trong tuần phải giảm liên tục so với 2 tuần trước đó, giảm 50% so với tuần mắc cao nhất. Tuy nhiên, hiện nay số ca mắc mới của TPHCM đang đi theo đường nằm ngang, không đi lên nhưng cũng chưa đi xuống, dao động ở mức 5.000 - 6.000 ca.

PGS.TS Tăng Chí Thượng chia sẻ, diễn tiến dịch tại TPHCM đang theo chiều hướng khả quan. Tuy nhiên, với biến thể khó lường của chủng Delta, khó có thể làm sạch F0 trong cộng đồng mà chỉ có thể giảm ở một mức độ nào đó. Hiện TPHCM vẫn đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để giảm F0. TP cũng sẽ làm việc với bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để tìm các tiêu chí phù hợp với biến thể Delta. Cho dù có tính lại các tiêu chí thì bắt buộc tiêu chí tử vong phải được cải thiện trong mức độ chấp nhận được. TP đang kỳ vọng tỷ lệ tử vong giảm dần. Sở Y tế đang theo dõi 3 tuần liên tục nhận thấy tuần đầu giảm 100 ca, tuần 2 giảm 200 ca. Đây là những tín hiệu tích cực.

Trả lời câu hỏi hiện nay nhiều ứng dụng gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước và người dân, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP Lâm Đình Thắng cho biết, đây là một thực tế kể cả TPHCM và trung ương đều nhận ra việc này và đã có quan điểm thống nhất từ trên xuống. Đó là dùng chung một ứng dụng để thuận tiện hơn trong công tác quản lý và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân. Một App, ứng dụng dùng chung sẽ tích hợp cả dữ liệu vaccine, kết quả xét nghiệm, cấp QR vận tải, khai báo y tế cho người dân…  TP đã chủ động giải pháp của mình và đã báo cáo với trung ương, xin chủ động triển khai giải pháp đó trong TP. Khi trung ương có quyết định, TP sẽ triển khai thí điểm tại 3 địa phương đó là Cần Giờ, Củ Chi, Quận 7. Việc này làm cơ sở để triển khai diện rộng trên toàn TP, khi TP có thêm các vùng được nới lỏng trong thời gian tới.

Việc tuân thủ quy định phải trở thành ý thức tự giác của mọi người dân

Trả lời câu hỏi của báo chí về định hướng để đảm bảo sự hài hòa giữa giãn cách xã hội và các hoạt động kinh doanh sản xuất, phục hồi sinh hoạt bình thường của người dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, việc hài hòa giữa giãn cách xã hội và phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh như là mối quan hệ không thể tách rời được. TP sẽ tiếp cận theo hướng dịch sẽ còn diễn biến tiếp và chúng ta phải chuẩn bị các điều kiện an toàn. TP tiếp cận an toàn qua các chỉ số đo lường. Ví dụ như tỷ lệ bao phủ vaccine, khả năng chống chịu của hệ thống y tế, tỷ lệ nhiễm… để xác định được đối tượng F0 sớm tiếp cận có biện pháp điều trị để ngăn ngừa chuyển nặng, tình huống cấp cứu trở thành áp lực cho hệ thống điều trị. Để thực hiện được điều này ngành y tế có hệ thông theo dõi đo lường cập nhật thường xuyên theo định kỳ. Điều hành theo các dữ liệu để thực hiện nới lỏng hay thắt chặt.

Trên lĩnh vực sinh hoạt, kinh doanh dựa trên tiêu chí an toàn. Một trong những thành phần bộ tiêu chí an toàn đó “Thẻ xanh Covid-19”. Dựa vào điều kiện tiêm chủng hay xét nghiệm tại thời điểm cũng như kết hợp với quy định an toàn khác để đánh giá mức độ an toàn của người dân, sản xuất kinh doanh để có sự điều chỉnh. Sự an toàn dựa trên địa điểm, theo ngành và mối quan hệ chặt chẽ với nhau khi có chuyển biến tích cực sẽ mở rộng giãn cách; tương ứng mở rộng hoạt động sinh hoạt cũng như sản xuất kinh doanh, nếu có những tiêu cực thì sẽ có điều chỉnh giãn cách, tương ứng điều chỉnh hoạt động sinh hoạt cũng như sản xuất kinh doanh.

“Chúng ta phải xác định dịch còn tồn tại lâu dài. Chúng ta phải sống trong điều kiện có dịch. Do vậy, chúng ta phải thay đổi hành vi của mình để phù hợp với điều kiện có dịch, an toàn trong điều kiện có dịch. Nên việc tuân thủ quy định phải trở thành ý thức tự giác của mọi người dân để đảm bảo an toàn cho chính mình. Phải từng bước thực hiện để trở thành thói quen để thích ứng.” – đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Về công tác an sinh, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ, khi thực hiện giãn cách xã hội nhất là thời gian kéo dài vấn đề an sinh cho người dân rất quan trọng. Thời gian qua, TP đã cố gắng thực hiện công tác an sinh như đã cấp gạo theo hỗ trợ của Chính phủ đến với người dân. Đợt 1 với 14.100 tấn đến các xã, phường, thị trấn. Đối với các túi an sinh, lương thực thực phẩm thiết yếu cho bà con, TP đã cấp 1,8 triệu túi. Trong quá trình thực hiện, ngoài hạn chế khách quan, cũng có hạn chế chủ quan như thực hiện chậm, sai đối tượng ban đầu. TP, các quận, huyện đã kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh, đôn đốc khắc phục sớm, đã tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm một cách nghiêm túc.

Về việc thực hiện các chính sách an sinh, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, lần 1 tổng hợp lập danh sách khi thực hiện phát sinh thêm các đối tượng đưa vào gói 2. Tuy nhiên cũng phát sinh đối tượng mới. Thời điểm này, gói 2 cơ bản đã xong dù vẫn còn nhiều người khó khăn. TP đã khẩn trương rà soát để thực hiện gói 3 và sẽ tổng hợp danh sách thiếu vào gói thứ 3. Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP mong muốn bà con thông cảm, chia sẻ. Đối với đợt 1, 2, TP đã cấp gần 6.500 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa gần 1.400 tỷ, còn lại là ngân sách. Theo thống kê chưa đầy đủ và dự kiến mức hỗ trợ trong thời gian tới là sẽ hỗ trợ mức nhất định tính theo tháng cho đầu người. Số kinh phí hỗ trợ trong gói 3 gần chục ngàn tỷ. Đây là một lượng kinh phí rất lớn, vượt nhiều khả năng ngân sách. Tuy nhiên, đây là việc phải làm với bà con cần hỗ trợ, để đáp ứng nhu cầu tối thiểu đời sống của bà con trong thực hiện giãn cách và tiếp tục phục vụ TP thực hiện giãn cách trong thời gian tới.

“UBND TP báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND TP để sớm triển khai gói 3. Khoản hỗ trợ không nhiều nhưng là một nỗ lực của TP, mong người dân cùng chia sẻ khó khăn với TP trong điều kiện dịch bệnh cùng thực hiện giãn cách, phòng chống dịch cho tốt trong thời gian tới.” – Đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ.

Về nguy cơ bùng phát dịch khi mở cửa các hoạt động, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chia sẻ, qua nghiên cứu, thời gian qua, nhiều quốc gia phát triển hơn TP cũng như Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng bao phủ cao hơn, có hệ thống y tế tốt hơn, do thời gian giãn cách lâu người ta cũng bắt đầu mở cửa, rất khoa học. Tuy nhiên với diễn biến rất phức tạp của chủng Delta, khi mở ra khả năng bùng phát trở lại là có thật. Tình trạng này đã diễn ra nhiều nước trên thế giới. Việc này không loại trừ với Việt Nam, trong đó TPHCM. Đây là một trong những lý do Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP rất cân nhắc. Mong muốn của người dân, doanh nghiệp và cũng là mong muốn của lãnh đạo TP là được mở ra, được phục hồi lại các sinh hoạt bình thường, những hoạt động kinh tế - xã hội tốt nhất có thể. Nhưng kết quả chúng ta đạt được có chuyển biến tích cực hơn nhưng chưa đạt được như tiêu chí kiểm soát nên để thận trọng, để bảo vệ kết quả này, chúng ta chịu khó thời gian nữa để kết quả này bền vững hơn để khi mở của chúng ta yên tâm.  

“TP thấu hiểu mong muốn sớm mở lại các hoạt động sinh hoạt bình thường và các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân, cộng đồng doanh nghiệp nhưng vì cân nhắc thận trọng cho sự an toàn nên kéo dài thêm thời gian. Rất mong bà con và doanh nghiệp cùng chia sẻ lo lắng, “đồng cam, cộng khổ” thêm khoảng thời gian nữa để chúng ta có tự tin hơn, có thể nới lỏng, mở cửa trở lại ở mức độ phù hợp với tình hình. Có thể từ đây đến cuối tháng tình hình ở số địa bàn tốt hơn thì chúng ta mở dần ở địa bàn đó. Ở những ngành có điều kiện mở thì chúng ta mở dần. Chúng ta cũng không nói phải đúng ngày 30/9.” – đồng chí Phan Văn Mãi cho biết.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo