Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Mỗi thành viên của đoàn thể thao Việt Nam là một đại sứ thiện chí

Mỗi thành viên đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam tham dự ASEAN Para Games 9 là một đại sứ thiện chí. (Ảnh: N.Trung)

(Thanhuytphcm.vn)- Tối 23/9, Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á 2017 (ASEAN Para Games 9) đã bế mạc sau 1 tuần tranh tài. Tham dự sân chơi nhân văn và ý nghĩa này, đoàn Việt Nam có 138 vận động viên (VĐV), thi đấu 8/16 môn thể thao được tổ chức. Kết thúc Đại hội, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ khi giành được 40 HCV, 61 CB, 60 HCĐ, xếp hạng 4 chung cuộc, sau Indonesia, chủ nhà Malaysia và Thái Lan. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng, Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại ASEAN Para Games 9 đã dành cho cộng tác viên Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM cuộc trao đổi khi kết thúc Đại hội.

* Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những kết quả mà đoàn thể thao Việt Nam gặt hái được tại ASEAN Para Games lần này?

- Ông Nguyễn Ngọc Anh: Dù không đặt chỉ tiêu, nhưng với những thành tích đã đạt được, đó chính là tấm gương, là sự nỗ lực tuyệt với của các VĐV với ý chí quyết tâm thi đấu giành thành tích cao, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Những tấm huy chương đó không phải là kết quả thắng hay thua các VĐV thể thao người khuyết tật các quốc gia khác, mà đó là kết quả của ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần vượt lên chính mình của mỗi VĐV Việt Nam tham gia Đại hội.

Đây cũng là cơ hội để các VĐV có dịp cọ xát nâng cao kinh nghiệm thi đấu, chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á 2018 và Paralympic Tokyo 2020. Bên cạnh đó, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự ASEAN Para Games 9 là thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới người khuyết tật nói chung và thể thao khuyết tật nói riêng, qua đó tạo điều kiện cho các VĐV đại diện cho thể thao người khuyết tật Việt Nam được giao lưu, hội nhập, tham gia, học tập tại đấu trường khu vực. Mỗi thành viên của đoàn đều đã là một đại sứ thiện chí, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, được bạn bè các nước trong khu vực yêu quý và đánh giá cao.

* Những VĐV nào của chúng ta giành được huy chương được xem là đặc biệt và ấn tượng nhất tại Đại hội lần này, thưa ông?

- Đó là các VĐV Lê Văn Công hạng 49kg môn cử tạ, lần thứ 5 liên tiếp đoạt HCV đồng thời phá kỷ lục Đại hội với thành tích 181kg, đây là kỷ lục của chính VĐV Công. VĐV Võ Thanh Tùng đạt 3 HCV ở các nội dung 50m, 200m tự do, 100m ngửa và phá 2 kỷ lục của Đại hội ở môn bơi. VĐV Nguyễn Thị Hải đạt 3 HCV ở các nội dung ném lao, đẩy tạ và ném đĩa và VĐV Nguyễn Hoàng Minh giành 3 HCV ở nội dung 400m, 800m, 1.500m, có thành tích tiệm cận thành tích châu lục ở môn điền kinh.

Không chỉ là những kỷ lục và những tấm HCV, mà còn có những tấm huy chương đặc biệt ấn tượng khác. Như VĐV Nguyễn Thị Thủy, năm nay chị đã 53 tuổi, đã lên chức bà nội nhưng vẫn quyết tâm thi đấu, với ý chí tuyệt vời đã mang về HCĐ ở các nội dung 100m và 200m T44 nữ ở môn điền kinh. Hay như những tấm HCĐ ở môn bóng bàn của các bác Vũ Đặng Chí 67 tuổi ở nội dung đồng đội nam TM4, bác Lý Xuân Phú 64 tuổi ở nội dung đồng đội nam TM10,... đây là những huy chương hết sức tuyệt vời, là những tấm gương nghị lực để mọi người học tập và tôn vinh.

Trưởng đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại ASEAN Para Games 9 Nguyễn Ngọc Anh. (Ảnh: N.Trung) Trưởng đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại ASEAN Para Games 9 Nguyễn Ngọc Anh. (Ảnh: N.Trung)

* Sau ASEAN Para Games lần này, thể thao người khuyết tật Việt Nam sẽ có đầu tư thế nào ở các môn thể thao trọng điểm cho Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á và Paralympic, thưa ông?

- Paralympic Brazil năm 2016, thể thao người khuyết tật Việt Nam đã giành được 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ ở ba môn cử tạ, điền kinh và bơi lội. Tại Para Games 9 lần này ba môn cử tạ, bơi và điền kinh cũng vẫn là ba môn thể thao mũi nhọn của thể thao người khuyết tật Việt Nam. Ngay sau khi kết thúc Đại hội, Vụ TDTT quần chúng sẽ cùng với Hiệp hội thể thao người khuyết tật đề xuất lãnh đạo Tổng cục TDTT tiếp tục triệu tập, tập huấn các VĐV trọng điểm ở ba môn thể thao này để chuẩn bị cho Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á và Paralympic 2020. Đề xuất đầu tư tập trung cho một số VĐV có khả năng giành huy chương châu Á, thế giới như chế độ ăn, thuốc, trang thiết bị dụng cụ tập luyện, cho các VĐV được tham dự nhiều giải thi đấu quốc tế hơn nữa để nâng cao kinh nghiệm thi đấu.

* Qua những kết quả đạt được, theo ông thì thể thao người khuyết tật Việt Nam rút ra những bài học kinh nghiệm gì trong việc phát triển thể thao khuyết tật?

- Dù chúng ta giành 40 HCV tại Đại hội, nhưng thực tế trong Đại hội lần này, các nước như Malaysia, Thái Lan, đặc biệt là Indonesia đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng, nhất là có lực lượng trẻ kế cận hướng tới những mục tiêu dài hạn. Do đó nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không có sự nghiên cứu nghiêm túc, thì việc giành thành tích trong thời gian tới đối với thể thao người khuyết tật ở đấu trường khu vực là hết sức khó khăn. Vì vậy, cần có sự quan tâm lực lượng VĐV trẻ kế cận phục vụ cho mục tiêu dài hạn và phát triển bền vững, phải kết hợp đồng bộ giữa cơ quan Trung ương và địa phương. Có chính sách cụ thể hơn nữa để tạo điều kiện và khuyến khích người khuyết tật tham gia tập luyện thể thao. Từ đó phát triển và chọn lọc những nhân tố xuất sắc bổ sung cho thể thao người khuyết tật Việt Nam, nhất là lực lượng trẻ.

Xin cám ơn ông!

H. Nguyên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo