Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Lấy ý kiến sửa đổi quy định xét tặng NSND, NSƯT: Cần tính yếu tố đặc thù

Thứ trưởng Lê Khánh Hải phát biểu tại hội nghị - hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 18/6, tại TPHCM, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” (NSND), “Nghệ sĩ ưu tú” (NSƯT). Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì hội nghị. Cùng dự còn có đại diện các Cục, Vụ, các Sở VH&TT, Sở VHTTDL, các hãng phim, nhà hát, đoàn nghệ thuật, cơ sở đào tạo nghệ thuật, các chuyên gia trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật khu vực phía Nam.

Báo cáo quá trình triển khai thực hiện xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ VHTTDL, Phó Trưởng Ban soạn thảo cho biết, tính đến ngày 9/6/2020, Bộ VHTTDL đã nhận được 102 văn bản góp ý của các cơ quan, đơn vị, trong đó có 63 văn bản đồng ý với dự thảo Nghị định và 39 văn bản góp ý. Theo đó, các ý kiến góp ý tập trung vào: Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ về thời gian các nghệ sĩ, diễn viên hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp, không quy định mốc thời gian để tính vì có nhiều trường hợp sau khi cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp không tham gia hoạt động nghệ thuật nhiều năm, sau đó mới tham gia hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Quy định như trên sẽ dẫn đến tình trạng “cào bằng” một số cá nhân có thời gian tính từ thời điểm tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến khi xét tặng trên 20 năm nhưng thời gian tham gia hoạt động nghề chỉ vài năm vẫn được xem xét tặng danh hiệu là không phù hợp. Các ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các “trường hợp đặc biệt” hoặc tiêu chí được coi là trường hợp đặc biệt để Hội đồng các cấp xem xét, đánh giá đạt danh hiệu NSND, NSƯT để Hội đồng xét tặng danh hiệu có cơ sở xem xét, biểu quyết và trình Thủ tướng Chính phủ, tránh việc lạm dụng, bổ sung quá nhiều trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, các góp ý còn đề nghị Ban soạn thảo xem xét việc bổ sung quy định về việc thu hồi danh hiệu (hoặc có hình thức xử lý phù hợp) trong trường hợp sau khi phong tặng danh hiệu thì nghệ sĩ có các vi phạm, sai phạm mà phải xử lý hình sự hoặc có những hành động, việc làm gây ảnh hưởng xấu ở phạm vi rộng đến cộng đồng, xã hội…

Theo Bộ VHTTDL, từ năm 2015 đến nay, Bộ đã tổ chức 2 đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, lần thứ 8 năm 2015 và lần thứ 9 năm 2018. Qua 2 đợt xét tặng danh hiệu theo quy định, Bộ đã trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước xét, phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND cho 186 NSƯT và danh hiệu NSƯT cho 686 nghệ sĩ.

Theo Ban soạn thảo, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89 bao gồm: Sửa đổi, bổ sung cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp; Sửa đổi, bổ sung về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; Sửa đổi, bổ sung số lượng, thành phần Hội đồng các cấp; Sửa đổi về tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của tổng số thành viên các cấp Hội đồng; Sửa đổi về tỷ lệ % số lượng thành viên có mặt tại cuộc họp Hội đồng và Sửa đổi, bổ sung Phụ lục II Bảng quy đổi giải thưởng.

Theo đó, ngoài quy định “Thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở”, bổ sung thêm quy định “hoặc tính từ thời điểm cá nhân được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét tặng hồ sơ danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở”. Việc bổ sung thêm quy định này sẽ tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ sĩ tài năng, có nhiều đóng góp ở một số lĩnh vực nghệ thuật truyền thống (nghệ sĩ được tuyển vào các đoàn nghệ thuật vừa được truyền nghề tại đoàn và vừa tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ của đoàn).

Đối với tiêu chuẩn giải thưởng của danh hiệu NSND: Bổ sung quy định “… có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó phải có 1 giải Vàng của cá nhân) sau khi được phong tặng danh hiệu NSƯT. Đối với tiêu chuẩn giải thưởng của danh hiệu NSƯT, bổ sung quy định “… có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia (trong đó phải có 1 giải thưởng của cá nhân). Việc bổ sung thêm quy định này vì có ý kiến của một số chuyên gia cho rằng có một số nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nhưng bản thân họ không có 1 Huy chương Vàng, Bạc của cá nhân, các huy chương của họ đang có đều được tính từ sự quy đổi giải thưởng của tác phẩm, thiếu dấu ấn cá nhân, chưa thực sự thuyết phục danh hiệu được tôn vinh. Ban soạn thảo cũng thống nhất cần giảm bớt đại diện các cơ quan, tổ chức hành chính; tăng thêm các nhà chuyên môn, chuyên gia…

Tại hội nghị - hội thảo, hầu hết các đại biểu bày tỏ sự đồng tình, phấn khởi khi dự thảo qua nhiều lần góp ý đã có sự điều chỉnh đáng kể, tạo sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng có một số quy định trong dự thảo vẫn còn cứng nhắc, bất cập khi áp dụng cho tất cả các ngành, các địa phương. Do vậy, cần có sự linh hoạt phù hợp hơn.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho biết, rất đồng tình với những ý kiến của các đại biểu, đồng thời chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tổng hợp đầy đủ những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn chỉnh hơn nữa dự thảo. Thứ trưởng cũng cho biết nghị định mới sẽ bám sát đặc thù từng lĩnh vực nghệ thuật để không thiệt thòi cho các nghệ sĩ, tôn vinh đúng người, không bỏ sót tài năng, đồng thời Nghị định cũng sẽ bám sát đặc thù địa phương để có những quy định phù hợp.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo