Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ký ức hào hùng của người cán bộ tuyên huấn Khu Sài Gòn - Gia Định

Đồng chí Nguyễn Trọng Xuất xem lại cuốn sách “Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - Truyền thống và Phát triển”
(Thanhuytphcm.vn) - Ở tuổi 86, nhưng trong ký ức của đồng chí Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Phó Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn - Gia Định (Ban Tuyên huấn T4) vẫn luôn sống dậy những tháng năm hào hùng của người chiến sĩ làm công tác tuyên huấn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Chia sẻ về sự kiện Ban Tuyên huấn Khu được nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đồng chí Nguyễn Trọng Xuất không giấu được niềm vui của mình khi bộc bạch: Phải thấy danh hiệu anh hùng này kèm theo trách nhiệm của người làm công tác tuyên huấn. Đó là việc truyền khí thế, bản lĩnh, khí phách của ngành tuyên huấn cho thế hệ sau nối tiếp.

Hoạt động ngay trong lòng địch

Hồi tưởng lại ký ức, đồng chí Nguyễn Trọng Xuất cho biết, từ năm 1965, đồng chí về công tác tại Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn - Gia Định và làm Phó Trưởng Ban. Đây là thời điểm, sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, phong trào đô thị Sài Gòn – Gia Định có bước phát triển mới. Ban Tuyên huấn Khu được tăng cường, đồng chí Trần Bạch Đằng phụ trách Trưởng Ban. Trước đó, đồng chí Nguyễn Trọng Xuất công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục.

Đồng chí Nguyễn Trọng Xuất kể, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta diễn ra vô cùng ác liệt, công tác tuyên huấn trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn – Gia Định có địa bàn hoạt động rất khó khăn, các chiến sĩ hoạt động ngay trong lòng địch. Có những thời điểm, chúng ta làm chủ trận địa tư tưởng với lực lượng báo chí rất mạnh, có giai đoạn địch đàn áp ác liệt, nhiều cán bộ tuyên huấn bị bắt tù, thậm chí hy sinh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào anh em vẫn tiếp tục chiến đấu trên mặt trận chính trị - tư tưởng và phong trào đấu tranh ở nội thành rất mạnh. Ở mỗi giai đoạn, những người làm công tác tuyên huấn đều có sáng tạo đưa phong trào đấu tranh đi lên. Có khi là đấu tranh chính trị đòi dân sinh, dân chủ, có khi là kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang hay những cuộc tuyên truyền “xuất quỷ nhập thần” làm cho địch nao núng.

Nhớ lại những tháng năm làm công tác tuyên huấn của mình, đồng chí Nguyễn Trọng Xuất chia sẻ, kỷ niệm lớn nhất với đồng chí là đã có một thời gian phụ trách Báo Cờ giải phóng (phát hành ở nội đô). Để duy trì đều đặn và không bị lộ, đồng chí Trần Bạch Đằng có sáng kiến chuyển bài viết qua đường sóng điện để tiếp tục được đọc chậm trên Đài Giải phóng; từ đó các cơ sở trong nội thành nghe, chép lại và in bằng nhiều hình thức. Sau Tết Mậu Thân năm 1968, tình hình trở lên khó khăn. Từ năm 1970, căn cứ của Thường vụ Thành ủy, của Ban Tuyên huấn nội thành phải chuyển liên tục từ Mỹ Tho qua Trà Vinh, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng… Đến năm 1971 mới đến được căn cứ của Khu đóng ở biên giới Việt Nam – Campuchia. Cuộc hành quân liên tục của ban lãnh đạo với 28 cán bộ, giao liên công khai, bảo vệ diễn ra trong 1 năm 28 ngày đêm, vừa di chuyển, vừa chiến đấu và vẫn tác nghiệp qua sóng  điện. Địch càn xong, các chiến sĩ lại ngồi viết bài gửi Đài Phát thanh Giải phóng.

Truyền “lửa” cho thế hệ nối tiếp

Trong câu chuyện của mình, khi kể về ý chí chiến đấu của các chiến sĩ tuyên huấn giọng đồng chí Nguyễn Trọng Xuất luôn dứt khoát, mạch lạc. Đồng chí nhớ lại: “Lúc đó ,chúng tôi luôn coi mọi cái khó là đều có thể vượt qua được. Nếu không thấy như thế sẽ không làm được nhiệm vụ. Các chiến sĩ bị bắt không khai đồng bào nuôi dưỡng, bảo vệ mình nên đồng bào tin tưởng. Trong cuộc kháng chiến, các đồng chí dù bị tù đày, thậm chí địch tra tấn đến hy sinh tính mạng vẫn giữ được khí tiết cách mạng. Cái đó mang tính chiến đấu rất cao trong lòng địch”.

Và có những lúc giọng đồng chí Nguyễn Trọng Xuất lại lặng xuống, đôi mắt rưng rưng khi nhắc về những đồng đội đã hy sinh. “Có những lúc anh em hy sinh ngay trước mặt mình. Trong thời gian chúng tôi hoạt động tại huyện Củ Chi, cậu bảo vệ đã hy sinh ngay trên tay tôi do trúng bom trước đó. Có những trận đánh, hy sinh mất mấy đồng chí. Đến nay, mới thu thập được 123 liệt sĩ của Ban Tuyên huấn Sài Gòn – Gia Định và còn  nhiều người hy sinh nhưng chưa biết tên” – đồng chí Nguyễn Trọng Xuất chia sẻ.

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Xuất, từ hoạt động của Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn – Gia Định có thể thấy nhiều bài học lớn được rút ra. Bài học lớn nhất là phải có yêu nước thì mới đủ dũng cảm để sáng tạo, trí tuệ, trước hết xây dựng lòng yêu nước nồng nàn, yêu dân tộc, một tình cảm dám hy sinh, dám xả thân vì chính nghĩa. Lực lượng tuyên huấn đã khơi dậy được tinh thần này với những hành động cụ thể. Bài học thứ 2 chính là lòng tin, tin vào mình, vào dân tộc và nhân dân, dựa vào dân để chiến đấu. Không có điều này thì  không thể có các vùng lõm chính trị, “căn cứ lòng dân” che chở cho cán bộ, chiến sĩ. Mình phải dựa vào dân, tin dân mới có thể làm được. Điều thứ 3 là trí tuệ, phải khôn khéo, cái hay của những người chiến đấu trong nội thành chính là bản lĩnh và trí tuệ.

Đồng chí Nguyễn Trọng Xuất cho biết, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân dành cho Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn – Gia Định, công lao đầu tiên là của những anh hùng liệt sĩ cả những người có tên và những người chưa tìm được tên, cũng như cán bộ, chiến sĩ Ban Tuyên huấn và của đồng bào đã tin, che chở cho các chiến sĩ. Khi nhận danh hiệu Anh hùng, trước hết những người từng làm công tác Tuyên huấn phải giữ vững lời thề trung thành với nước, với dân, với cách mạng. Phải thấy danh hiệu anh hùng này kèm theo trách nhiệm. Đó là việc truyền khí thế, bản lĩnh, khí phách của ngành tuyên huấn cho thế hệ sau nối tiếp. Những người làm công tác tư tưởng hôm nay, cần học bài học về bản lĩnh trí tuệ, khí phách của người làm công tác tuyên huấn; từ đó làm tốt hơn công tác tư tưởng để đáp ứng yêu cầu công tác tuyên giáo trong tình hình mới.

Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn – Gia Định được chính thức thành lập vào năm 1960 do đồng chí Phạm Dân (Ba Hương) là Khu ủy viên làm Trưởng Ban. Ban có 24 đơn vị trực thuộc (gọi là B) với gần 300 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ gồm các bộ phận: Tuyên truyền, Thông tấn xã, Đài Minh ngữ, Nhiếp ảnh, Báo chí, Nhà in, Văn công, Điện ảnh, Họa, Khắc, Huấn học, Giáo dục, Trường Đảng, Văn phòng, Bảo vệ căn cứ, Tiếp liệu, Đội giao liên cơ quan, Giao liên bàn đạp,...  Ban có chức năng nhiệm vụ phụ trách mặt trận chính trị - tư tưởng, vận động quần chúng các giới trên địa bàn khu Sài Gòn – Gia Định tham gia chống địch, đánh địch, ủng hộ cách mạng; khi cần thì chiến đấu tiêu diệt địch để tự bảo vệ và bảo vệ quần chúng.

S.Hải

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo