Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Kiểm tra, giám sát thường xuyên giúp Đảng viên và tổ chức Đảng ít mắc phải khuyết điểm

Công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ của mọi tổ chức đảng và đảng viên. (Ảnh minh họa: nguồn Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi (...). Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích... Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra” [1].

Thực tiễn lãnh đạo của Đảng ta từ khi thành lập đến nay đã khẳng định kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng; lãnh đạo phải có kiểm tra; lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo. Đại hội X Đảng ta đã rút ra sáu bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học kinh nghiệm về công tác kiểm tra, giám sát là:“Đảng phải tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng để phát huy ưu điểm, phòng ngừa và khắc phục kịp thời sai lầm, khuyết điểm; kiểm tra, giám sát công tác, năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh”[2]. Bài học này vẫn còn nguyên tính thời sự và giá trị thực tiễn.

Mỗi hình thức đều có hiệu quả quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng. Tất cả đều đòi hỏi phải chặt chẽ, khoa học, tiến hành đúng quy trình; đồng thời người làm công tác kiểm tra phải có bản lĩnh, khéo léo để có thể nắm bắt bản chất vụ việc nhanh chóng, khách quan; nhất là đối với các đối tượng được kiểm tra cố tình che giấu, bóp méo sự thật. Vì vậy, giám sát phải gắn chặt với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Giám sát thường xuyên sẽ thể hiện được tính chủ động, tính chỉ đạo, đôn đốc, thúc đẩy tổ chức thực hiện.

Nói về phương pháp thì tùy theo vấn đề, tình huống mà sử dụng phương pháp phù hợp. Song, tất cả các phương pháp cơ bản đều thể hiện tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng; có phương pháp đòi hỏi sự kiên trình giáo dục, thuyết phục; có phương pháp đòi hỏi sự tham gia của nhân dân; có phương pháp đòi hỏi sự chính xác, kịp thời, khoa học khi thu thập chứng cứ; có phương pháp cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan pháp luật. Để kiểm tra cần dựa vào tổ chức đảng; Phát huy tính tự giác, tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng và đảng viên; Phát huy vai trò xây dựng Đảng của nhân dân; Thẩm tra, xác minh; Phối hợp kiểm tra của Đảng với thanh tra của Nhà nước, thanh tra nhân dân, kiểm tra của các tổ chức chính trị - xã hội và phối hợp với các ban, ngành có liên quan.

Khi tiến hành giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp đều phải giữ đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, đúng tính chất công tác đảng là dựa vào đảng viên và tổ chức đảng, phát huy tinh thần tự giác, tự phê bình và phê bình của đảng viên và tổ chức đảng; phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng; làm tốt việc kết hợp công tác giám sát của Nhà nước, giám sát của nhân dân và công tác giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và phối hợp với các ban, ngành có liên quan.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quan trọng của công tác kiểm tra:“Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”[3]. Thực tiễn đã khẳng định, trong lãnh đạo cần phải kiểm tra, giám sát. Không những kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, Cương lĩnh chính trị, chủ trương, chính sách, mà kiểm tra ngay bản thân Cương lĩnh chính trị, đường lối, chính sách đó và kiểm tra cả các tổ chức tiến hành kiểm tra nhằm bảo đảm đường lối, chính sách được xác định đúng, được quán triệt và thực hiện thắng lợi trong thực tiễn. Trong điều kiện đảng cầm quyền, cùng với công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát trở thành công việc then chốt, trọng tâm nhất.

Công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ của mọi tổ chức đảng và đảng viên, tiến hành theo quy định của Điều lệ Đảng và sự phân công của tổ chức đảng có thẩm quyền. Để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp phải chú trọng và thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Mỗi tổ chức đảng và đảng viên dù công tác ở lĩnh vực, cương vị nào đều phải tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Đó là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, làm cho Đảng thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần đổi mới, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp cách mạng.

Ngược lại, qua kiểm tra có thể đánh giá được chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, nắm chắc được thực chất tình hình và có cơ sở khi phải xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, nhất là về tinh thần tự giác khắc phục, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm đã được nhắc nhở, cảnh báo ngay từ khi giám sát.

Muốn thực hiện tốt công tác giám sát phải có quan sát, theo dõi, xem xét, đánh giá tình hình thực tế của đối tượng được giám sát; ngược lại, muốn thực hiện tốt công tác kiểm tra thì phải thường xuyên giám sát để đưa ra quyết định có nên kiểm tra hay không. Thực hiện tốt công tác giám sát, thì công tác kiểm tra càng chủ động, kịp thời và chất lượng, hiệu quả càng cao.

Để đạt được mục tiêu đề ra, một trong các công tác quan trọng đã được quan tâm thực hiện với tinh thần đổi mới, thiết thực, đó là công tác bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra. Nội dung bồi dưỡng được tập trung vào các vấn đề nổi cộm trong thực tiễn đang đòi hỏi phải tăng cường giám sát, kiểm tra. Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Các tổ chức đảng cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thường xuyên coi trọng và chủ động tiến hành công tác kiểm tra, giám sát theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Phải kiểm tra, giám sát đối với từng nghị quyết, chỉ thị, từng lĩnh vực, địa bàn, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng, bảo đảm mọi nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều được kiểm tra, giám sát; các tổ chức đảng đều tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đồng thời phải là những người có bản lĩnh, khéo léo, nắm chắc pháp luật, qui định.

Có như vậy, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng mới thực sự là những chức năng lãnh đạo; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hoàn thành mọi nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới.

Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tr.636-637.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị   quốc gia, Hà Nội 2006, tr.278.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.327

-------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Sự thật. Hà Nội.

Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

Đảng bộ Học viện Cán bộ Thành phố (2018): Báo cáo công tác xây dựng Đảng năm 2018.

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2018), Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị - Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.  Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội.

Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5 (2011), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy (2020), Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2019 của ngành Kiểm tra Đảng bộ thành phố.

 


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo