Thứ Tư, ngày 16 tháng 10 năm 2024

Kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trước thềm năm học mới

Ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin tại buổi họp báo.

(Thanhuytphcm.vn) – Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông TP tổ chức chiều 22/8, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã trao đổi một số thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. Trong đó, HCDC nhấn mạnh đến một số biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trước thềm năm học mới trên địa bàn TP.

Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh

Thông tin về tình hình bệnh Covid-19 tại TPHCM, Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho biết,  trong tuần 33 (từ ngày 12 đến ngày 18/8), TP ghi nhận 3 ca mắc mới, tăng 20% so với trung bình 4 tuần trước (3 ca). Tuần 33 không ghi nhận ca nặng. Tính từ đầu năm 2024 đến tuần 33, số ca mắc tích lũy là 459 ca, giảm 88,1% so với cùng kỳ năm 2023 (3.849 ca). Trong đó, có 15 ca nặng và chưa ghi nhận ca tử vong do Covid-19. Tại TPHCM, biến thể gần đây nhất được ghi nhận và theo dõi là JN.1 và chưa ghi nhận thêm biến thể mới xuất hiện.

Về các giải pháp phòng chống nguy cơ bệnh xâm nhập, lây lan trong đợt cao điểm đi lại dịp 2/9, HCDC cho biết, ngành Y tế sẽ thực hiện các giải pháp như theo dõi sát số trường hợp mắc Covid-19 nhập viện, số trường hợp nặng phải nhập khoa hồi sức cũng như tiếp tục giám sát các biến thể Covid-19. Đồng thời, các bệnh viện sẽ luôn trong tình trạng sẵn sàng để tiếp nhận và điều trị các trường hợp Covid-19 cần nhập viện theo các tình huống giả định và kịch bản ứng phó. Cùng với đó là tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng như: Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi tập trung đông người…, hoặc khi có triệu chứng hô hấp; Thường xuyên rửa tay và tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; Tiêm vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo của Ngành y tế; Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở,… Người cao tuổi, có bệnh lý nền, thai phụ… khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Về bệnh Mpox (đậu mùa khỉ), riêng năm 2024, Thành phố có 49 ca Mpox, không có ca tử vong. Hiện nay, dịch bệnh Mpox trên địa bàn TP vẫn đang được kiểm soát thông qua các hoạt động giám sát chủ động tại cửa khẩu và cộng đồng. TP chưa ghi nhận thay đổi về dịch tễ học của bệnh.

Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, ngành y tế TP vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống dịch bệnh, thực hiện giải trình tự gen một số mẫu bệnh phẩm để giám sát sự biến đổi của vi rút gây bệnh. Đồng thời, tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu; giám sát chủ động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, lưu ý lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS…

Sở Y tế TP khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh Mpox cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng. Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là thực hành quan hệ tình dục an toàn.

Nâng tỷ lệ bao phủ vaccine sởi cho trẻ em từ 1 tuổi đến 5

Về các bệnh truyền nhiễm khác, đại diện HCDC cho biết, hiện nay, các loại bệnh truyền nhiễm dự báo gia tăng trên địa bàn TPHCM nhất là khi bước vào năm học mới là: sởi, sốt xuất huyết và tay chân miệng. Trong đó, tuần 33, tại TP ghi nhận 299 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 17,8% so với trung bình 4 tuần trước (254 ca). Tuần 33, TP cũng ghi nhận 100 ca sốt phát ban nghi sởi tăng hơn gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước. Cụ thể, trong 100 ca sốt phát ban nghi sởi có 17 ca xác định phòng thí nghiệm (17%), 61 ca lâm sàng (61%) và 22 ca loại trừ (22%). Các quận huyện ghi nhận ca sởi xác định phòng thí nghiệm trong tuần 33 là Bình Chánh (9 ca), Bình Tân (6 ca), Quận 8 (1 ca) và TP Thủ Đức (1 ca).

Về phân bố theo nhóm tuổi, trong 78 ca sởi (17 ca dương tính, 61 ca lâm sàng) được ghi nhận ở tuần 33 có 18 ca dưới 9 tháng tuổi (23,1%), 45 ca từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi (57,7%) và 15 ca trên 5 tuổi (19,2%).  So sánh với tuần 24, số ca sởi ghi nhận trong tuần 33 tăng gấp 4,3 lần (tuần 24 có 18 ca sởi trong đó 7 ca dưới 9 tháng, 10 ca từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi và 1 ca trên 5 tuổi). Bên cạnh đó, bệnh có sự dịch chuyển từ trẻ thuộc độ tuổi tiêm chủng (9 tháng đến dưới 5 tuổi) sang trẻ chưa đủ tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi) và trẻ trên 5 tuổi.

Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trước thềm năm học mới trên địa bàn TP, khống chế số ca biến chứng nặng và tử vong. Trong đó, đối với bệnh sởi, thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch sởi trong cộng đồng gồm các hoạt động như: giám sát phát hiện và khoanh vùng sớm ổ dịch sởi; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động tiêm chủng, rà soát lập danh sách trẻ để mời tiêm chủng vaccine sởi, đảm bảo tổ chức chiến dịch tiêm vaccine an toàn, hiệu quả, nâng tỷ lệ bao phủ vaccine sởi cho trẻ em từ 1 tuổi đến 5 tuổi đạt trên 95%. Cùng với đó là bảo vệ các trẻ em thuộc nhóm nguy cơ mắc sởi nặng gồm các hoạt động như rà soát và tổ chức tiêm chủng tại bệnh viện cho các trẻ này; tập huấn chỉ định dự phòng sau phơi nhiễm cho trẻ; tăng cường công tác phân luồng, kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện.

Liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế tiếp tục giám sát tình hình mắc bệnh trên địa bàn, xử lý các ổ dịch nếu có theo quy định, triển khai hoạt động giám sát điểm nguy cơ tại các quận/huyện, TP Thủ Đức. Đối với tay chân miệng, ngành y tế tiếp tục giám sát số liệu mắc bệnh, phối hợp ngành giáo dục trong phòng chống dịch bệnh trong trường học, xử lý các ổ dịch nếu có theo quy định.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo