Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Khai mạc Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Quang cảnh phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 30. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); xem xét, quyết định việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia.

Cũng trong phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã của huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.

Ngay sau khai mạc, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Vấn đề nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam.

Những năm qua, số người phải chấp hành án tù tại các trại giam ngày càng tăng. Mặc dù Nhà nước đã rất quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở giam giữ, nhưng đến nay cũng còn nhiều khó khăn. Nhiều trại giam thiếu diện tích đất, thiếu mặt bằng để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam. Việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tạo việc làm cho họ sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam là rất lớn, rất khó khăn cho công tác quản lý phạm nhân.

Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay, cả nước có 54 trại giam do Bộ Công an quản lý. Thời gian qua, các trại giam đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam. Cách thức này tuy thuận lợi cho việc quản lý phạm nhân vì lao động được tổ chức trong trại giam, nhưng chỉ có thể tập trung vào một số ngành lao động thủ công, giá trị thu nhập thấp và Nhà nước phải đầu tư lớn về nhà xưởng, máy móc, thiết bị, vì các doanh nghiệp không được phép đầu tư trong trại giam. Do việc sản xuất trong trại giam không thuận lợi cho doanh nghiệp, nên vừa qua rất khó thu hút được doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào sản xuất.

Để tháo gỡ khó khăn trên, tại một số địa bàn có tình hình an ninh trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã tiến hành thí điểm, cho phép các trại giam được thành lập “Khu sản xuất” và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thành lập các “Điểm lao động, dạy nghề” ngoài trại giam. Hiện có 24/54 trại giam có 133 điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam với số lượng phạm nhân từ 6.000 – 7.000 người. Các điểm này được thiết kế trong khuôn viên các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, có tường rào bao quanh, tách biệt khu dân cư; các phạm nhân được bố trí lao động trong phạm vi hẹp nên thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát.

Từ những phân tích này, Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với pháp luật quốc tế, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam phải bảo đảm về an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai, minh bạch việc phân phối lại kết quả lao động của phạm nhân một cách hợp lý (cải thiện bữa ăn, hưởng một phần thu nhập, mức đóng góp vào các quỹ theo quy định...); bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng tình với việc liên kết với tổ chức, cá nhân tổ chức học nghề, lao động trong khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, tuy nhiên, ông cho rằng nếu đưa phạm nhân vào doanh nghiệp thì phải xem xét vì vi phạm Công ước số 29 của ILO (về  cưỡng bức lao động).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận, phải xuất phát từ Hiến pháp, phạm nhân mất quyền công dân nhưng vẫn còn quyền con người. Cách làm cứng quá, chặt quá sẽ tạo khó cho các cơ sở giam giữ trong quản lý. Ông cho rằng nên tổ chức cho các phạm nhân hoạt động ngoài trại giam. Nếu các doanh nghiệp chấp nhận được, họ có thể đầu tư vào những danh mục mà Chính phủ và Bộ Công an cho phép thì nên tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, có tay nghề, tạo thu nhập, để họ sau khi chấp hành xong bản án có thể tái hòa nhập. Điều này không mang tính cưỡng bức nếu lao động đó tự nguyện.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo