Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

ITP - điểm đến của giới khởi nghiệp

PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc ITP (đứng, bên phải) tham gia đào tạo cán bộ quản lý trung tâm ươm tạo doanh nghiệp.

(Thanhuytphcm.vn) – Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) được lãnh đạo TPHCM xác định là một cấu phần quan trọng của Khu đô thị sáng tạo ở phía Đông của TPHCM. Trong đó, Khu Công nghệ Phần mềm (ITP) thuộc ĐHQG-HCM với định hướng phát triển thành hệ sinh thái khởi nghiệp năng động là một cầu nối quan trọng giữa ĐHQG-HCM với phần còn lại của Khu đô thị sáng tạo. Với trọng trách được giao, ITP đã và đang triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ với các kết quả vượt mong đợi, đáp ứng các chương trình của Chính phủ và TPHCM.

Mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp

PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc ITP cho biết, trong suốt hơn 15 năm xây dựng và phát triển, ITP đã trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của TPHCM, của Việt Nam. Là một trong những thành tố tích cực góp phần hình thành khu đô thị sáng tạo - nơi có các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao và gắn với các đại học nghiên cứu, đóng vai trò là nguồn cung các nhà cách tân và doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, chủ thể của hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp.

Cụ thể, ITP đã triển khai khoảng 10 chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong ĐHQG-HCM và cho cộng đồng khởi nghiệp địa phương, khu vực một cách hệ thống với các chương trình tương ứng các bước phát triển của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ việc hỗ trợ ý tưởng đến việc hình thành các nhóm Startup. Tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp CiC 2018 thu hút 350.000 sinh viên ở 96 các trường Đại học, cao đẳng tiếp cận, với hơn 130 nhóm ý tưởng và 300 sinh viên tham gia. Sau cuộc thi, các nhóm khởi nghiệp/dự án tiềm năng tiếp tục được ươm tạo và hỗ trợ gọi vốn. Hỗ trợ ươm tạo cho gần 60 nhóm dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, ITP đã có được một số công ty khởi nghiệp kêu gọi thành công vốn ban đầu và các sản phẩm đã đưa ra thị trường, như: MimosaTek (23 tỷ đồng), Gcall (46 tỷ đồng), iNutFatform (23 tỷ đồng), VSN Academy (7,5 tỷ đồng), Shub (6 tỷ đồng), FloodHousing (1,5 tỷ đồng)…

Là một trong những start-up được ITP hỗ trợ và kêu gọi thành công vốn ban đầu, CEO start-up Ami Lê Hoàng Nhật cho biết: “5 năm trước, tôi bắt đầu khởi nghiệp. Khi đó, ngoài ý tưởng, tôi chưa biết làm gì để khởi nghiệp. ITP xuất hiện như một câu trả lời không thể vừa vặn hơn. ITP là người bạn, người thầy cung cấp hành trang, kiến thức cho tôi và mang lại cho tôi những cơ hội để va chạm, cọ xát để trưởng thành hơn. Tôi kỳ vọng ITP sẽ chắp cánh ước mơ cho nhiều startup hơn nữa để trở thành nhân tố phát triển nên hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng lớn mạnh, đúng như tầm nhìn mà ITP đang dựng xây”.

ITP còn thực hiện đào tạo doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT (iStartX khóa 6) nhằm hỗ trợ cho các nhà sáng lập điều chỉnh mô hình kinh doanh, tiến tới việc gọi vốn đầu tư. Đồng thời, tổ chức gần 20 lớp đào tạo, tư vấn và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương (như TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang…). ITP còn thường xuyên tổ chức hơn 160 sự kiện khởi nghiệp, tiếp đoàn khách tham quan, các hội thảo mang tính chất khu vực, địa phương và ĐHQG-HCM.

Đoàn sinh viên Cần Thơ tham quan tìm hiểu, học tập tại ITP vào tháng 3/2019. Đoàn sinh viên Cần Thơ tham quan tìm hiểu, học tập tại ITP vào tháng 3/2019.

Đầu mối triển khai hợp tác xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông

Đánh giá về quá trình hoạt động đầy nỗ lực của ITP, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết: Đến nay, tại ITP cơ bản đã hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đúng nghĩa. Mô hình và kết quả hoạt động của ITP đã được đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TPHCM đánh giá cao. Đặc biệt, mô hình và cách thức xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của ITP được nhiều tỉnh, thành ở phía Nam tham khảo, học tập.

ĐHQG-HCM đặt mục tiêu đến năm 2020, ITP sẽ trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp năng động ở phía Đông TPHCM, là nơi tập trung của khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp, với 2.000 việc làm và là nơi thực tập, học tập của 2.000 sinh viên mỗi năm. Cùng với nhiệm vụ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong giai đoạn mới, ITP được ĐHQG-HCM giao chủ trì thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như xây dựng hệ thống thông tin quản lý ĐHQG-HCM, xây dựng khu đô thị ĐHQG-HCM thành khu đô thị thông minh và là đầu mối triển khai hợp tác với TPHCM trong triển khai xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông.

Đặt mục tiêu hoạt động trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc ITP bày tỏ quyết tâm: “Trong tương lai, ITP sẽ là nơi trí tuệ được ươm mầm, nơi mà những start-up tăng trưởng nhanh được gầy dựng và là nơi mà những sản phẩm công nghệ cao được ra đời, vươn tầm quốc tế. Chúng ta có thể tìm thấy ở đây sức mạnh của hệ thống giáo dục và ươm tạo, của sự cống hiến, tận tụy và tin tưởng. Ước mơ về một hệ sinh thái khởi nghiệp của ITP, của ĐHQG–HCM và QTSC đang dần định hình rõ ràng ở cửa ngõ Đông TPHCM. Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều chuyện phải lo, nhưng sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, sự quyết tâm và lòng đam mê của từng thành viên trong mái nhà chung ITP là những động lực thúc đẩy để trong tương lai không xa, ITP sẽ trở thành điểm đến của giới khởi nghiệp Việt Nam và quốc tế”.

ITP đâu chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp khẳng định, mà còn là nơi đỡ đầu cho các phòng thí nghiệm, các trung tâm và các công ty công nghệ mới ra đời. Nếu ban đầu, ITP là cái nôi của Viện John Von Neumann, của Trung tâm Địa Tin Học,… thì giờ đây, với Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (IEC) thì ITP thật sự đã tạo được một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hàng chục start-up đang hoạt động. Trong số đó, đã có vài start-up được định giá hàng triệu đô la Mỹ.

(PGS.TS Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội)

.

Thiên Linh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo