Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Hướng đến hệ thống giao thông an toàn, xanh và tích hợp

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại hội nghị.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 18/9, tại TPHCM, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Nghiên cứu giao thông Đông Á, UBND TPHCM, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị quốc tế về ATGT khu vực Đông Á lần thứ 12 với chủ đề “Tầm nhìn và chương trình hành động hướng đến hệ thống giao thông an toàn, xanh và tích hợp”.


Tham dự có Thứ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Nguyễn Ngọc Đông; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Việt Nam Khuất Việt Hùng; GS.TS Tetsuo Yai - Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu giao thông Đông Á; đại diện các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Nhiều thách thức trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu tình trạng ùn tắc, kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) đã có những chuyển biến tích cực, số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương đã giảm. Cụ thể, trong năm 2016, cả nước xảy ra 21.568 vụ, làm chết 8.680 người, bị thương 19.280 người. Thực tế, đa phần TNGT xảy ra trên đường bộ với 97,8% (66,7% số vụ là do mô tô, xe máy, 27,07% số vụ là do ô tô), đường sắt chiếm 1,7%, đường thủy nội địa chiếm 0,5% tổng số vụ TNGT. Qua phân tích cho thấy, phần lớn các vụ TNGT xảy ra là do ý thức của người tham gia giao thông (chiếm 71,6%).

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được xác định là một trong ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của Việt Nam; trong đó kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong những năm qua, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm huy động nguồn lực đầu tư nên bộ mặt hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có những cải thiện đáng kể và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội các vùng miền và cả nước; trong đó phải kể đến các công trình lớn, hiện đại như các tuyến đường bộ cao tốc, cảng hàng không, cảng biển lớn... Hiện tại Việt Nam đã đưa vào khai thác 831km đường bộ cao tốc, các cảng hàng không có năng lực thông qua đạt 75 triệu khách/năm, tổng công suất cảng biển đạt khoảng 500 triệu tấn/năm...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, giao thông vận tải ở Việt Nam cũng như một số nước đang phát triển trong khu vực đang gặp nhiều thách thức trong công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và công tác đảm bảo ATGT. Trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông vẫn đang là điểm nghẽn phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể, nhu cầu đầu tư lớn trong khi huy động nguồn lực khó khăn; đầu tư chưa cân đối giữa các lĩnh vực, đang tập trung nhiều vào đường bộ; chi phí xây dựng lớn, công nghệ mới áp dụng chưa nhiều và mạnh mẽ; một số công trình chất lượng chưa cao. Công tác đảm bảo ATGT cũng còn nhiều thách thức, khó khăn, diễn biến tình hình TNGT, ùn tắc giao thông (UTGT) vẫn còn phức tạp.

Trong quá trình phát triển của TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, TPHCM cũng đang đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có UTGT, TNGT và ô nhiễm môi trường từ các hoạt động giao thông vận tải, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Trong thời gian qua, TPHCM đã không ngừng nỗ lực cải thiện, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đảm bảo trật tự ATGT ở mức độ cao nhất có thể. Cụ thể, các sở, ngành liên quan của TP đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban ATGT Quốc gia xây dựng các chương trình chuyên đề, tập trung vào 4 chủ đề: Quản lý nhu cầu giao thông cá nhân; phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS); giải pháp nâng cao ATGT đường bộ và đổi mới phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Giải quyết những vấn đề cấp thiết về giao thông vận tải 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia giao thông vận tải của Việt Nam tích cực tăng cường nghiên cứu, hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp trong khu vực Đông Á và trên thế giới, để có được những đề xuất phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, nhằm giải quyết được những tồn tại, bức xúc đang đặt ra trong công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo ATGT, giảm UTGT và giảm TNGT hiện nay.

Quang cảnh hội nghị quốc tế về An toàn giao thông khu vực Đông Á lần thứ 12 diễn ra tại TPHCM. Quang cảnh hội nghị quốc tế về An toàn giao thông khu vực Đông Á lần thứ 12 diễn ra tại TPHCM.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng mong muốn các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế tăng cường trao đổi, hợp tác và chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm quý báu ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các vấn đề giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATGT; cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; công tác quản lý và nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện giao thông vận tải; giải pháp đối với người điều khiển phương tiện; giải pháp giảm thiểu thiệt hại do TNGT.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, những nội dung trao đổi, thảo luận tại hội nghị là những đóng góp có giá trị đối với việc đề xuất các giải pháp phát triển giao thông vận tải bền vững; đặc biệt là nâng cao ATGT, giải quyết những vấn đề cấp thiết về giao thông vận tải mà các quốc gia thành viên của Hiệp hội Nghiên cứu giao thông Đông Á đang phải đối mặt. Về phía Việt Nam, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ và các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, nghiên cứu để đề xuất các giải pháp thực hiện đảm bảo khả thi và có hiệu quả đối với ngành giao thông vận tải của Việt Nam.

Các chủ đề đặc biệt về phát triển giao thông Việt Nam
Hội nghị quốc tế về ATGT khu vực Đông Á lần thứ 12 có khoảng 800 đại biểu tham dự, với 110 phiên thảo luận về hơn 40 chủ đề khác nhau trong quy hoạch, xây dựng, quản lý khai thác các hệ thống - dịch vụ giao thông vận tải. Trong đó, có 8 phiên đặc biệt bàn về các vấn đề nóng mà các đô thị lớn của nước ta đang gặp phải bao gồm: Các chiến lược, giải pháp cụ thể áp dụng cho các đô thị Việt Nam trong việc phát triển hệ thống giao thông an toàn, xanh và tích hợp; quy hoạch hiệu quả và thu hút đầu tư trong phát triển đường sắt đô thị; quản lý nhu cầu giao thông cá nhân gắn với quy hoạch phát triển đô thị tại các TP lớn - kinh nghiệm quốc tế và lộ trình triển khai ở Việt Nam; xu hướng phát triển giao thông thông minh trên thế giới - ứng dụng Internet vạn vật; các giải pháp nâng cao ATGT đường bộ đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (xe máy, giao thông phi cơ giới và người đi bộ); đổi mới phát triển hệ thống giao thông công cộng - thách thức và giải pháp; phát triển giao thông bền vững ở các nước ASEAN - hợp tác giữa các nhà khoa học và các nhà quản lý; biến đổi khí hậu và giao thông ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; phát triển giao thông theo định hướng nâng cao sức khỏe cộng đồng - kinh nghiệm quốc tế và áp dụng vào Việt Nam. 
Đình Lý

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo