Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Hướng dẫn tổ chức các hội nghị hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bối cảnh có dịch Covid-19

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp bàn về triển khai nội dung kiểm tra, giám sát bầu cử ngày 25/2.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 25/2, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp bàn về triển khai nội dung kiểm tra, giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Tại cuộc bầu cử lần này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ giám sát công tác bầu cử đối với Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; Thường trực HĐND, UBND các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn yêu cầu nội dung kiểm tra, giám sát cần tập trung vào kiểm tra thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác bầu cử; việc tổ chức các hội nghị hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; việc tổ chức các hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú của người ứng cử; việc tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân và những phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các điều kiện đảm bảo an toàn công tác bầu cử trước tình hình dịch Covid-19. Công tác giám sát của mặt trận phải phát huy hiệu quả việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đối với hoạt động bầu cử; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận các cấp triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát tới từng địa bàn dân cư.

“Các đoàn giám sát phải trực tiếp xuống từng địa bàn dân cư nắm bắt thực tế triển khai các hoạt động tuyên truyền về bầu cử và lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân đối với những đại biểu ứng cử trên địa bàn”, đồng chí Trần Thanh Mẫn yêu cầu.

Cũng trong ngày 25/2, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có hướng dẫn về tổ chức các hội nghị trong quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026  và việc vận động bầu cử tại các địa phương  có dịch Covid-19.

Hướng dẫn nêu rõ, tại những nơi đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, vẫn tổ chức hội nghị hiệp thương, giới thiệu người ứng cử theo hình thức tập trung nhưng phải bảo đảm thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp bất khả kháng, không thể tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung được thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương kịp thời báo cáo cấp ủy và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương để chủ động lựa chọn hình thức tổ chức hội nghị phù hợp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin như tổ chức hội nghị trực tuyến, tổ chức lấy ý kiến thông qua Email, tin nhắn SMS, qua các ứng dụng zalo, viber hoặc gửi phiếu lấy ý kiến đến các thành phần dự hội nghị... 

Đối với việc tổ chức các hội nghị cử tri lấy ý kiến, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND (bao gồm họp ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để dự kiến người giới thiệu ứng cử; hội nghị lấy ý kiến của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử; hội nghị ban lãnh đạo mở rộng của cơ quan, tổ chức, đơn vị để thảo luận, giới thiệu người ứng cử) thì lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan lựa chọn hình thức tổ chức hội nghị phù hợp. Tuy nhiên, phải bảo đảm các điều kiện: đối với những nơi có số lượng đại biểu tham dự hội nghị trực tiếp đạt trên 2/3 tổng số đại biểu được triệu tập thì tổ chức hội nghị tập trung nhưng phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đối với những nơi đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly xã hội mà số đại biểu có thể tham dự trực tiếp không đạt trên 2/3 tổng số đại biểu được triệu tập thì có thể tổ chức hội nghị trực tuyến. Trong trường hợp này, để thuận lợi cho việc thực hiện biểu quyết, kiểm đếm kết quả biểu quyết thì cần lưu ý công tác tổ chức, điều hành để hội nghị thống nhất việc biểu quyết bằng hình thức giơ tay.

Đối với hội nghị cử tri nơi cư trú và hội nghị cử tri giới thiệu người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu HĐND cấp xã thì thực hiện như sau: đối với những nơi đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, tổ chức hội nghị theo hình thức trực tiếp nhưng phải bảo đảm thực hiện phòng, chống dịch Covid-19; đối với những nơi đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội hoặc áp dụng biện pháp phong tỏa không thể tổ chức hội nghị theo hình thức trực tiếp thì tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến nhưng lưu ý việc bảo đảm an ninh mạng và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trường hợp bất khả kháng, không thể tổ chức hội nghị theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã báo cáo cấp ủy cùng cấp, trao đổi, thống nhất với chính quyền và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương về việc tổ chức gửi phiếu lấy ý kiến, phiếu tín nhiệm đối với người được giới thiệu ứng cử đến cử tri.

Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã phối hợp với Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư tổ chức thành lập tổ phát phiếu, kiểm phiếu gồm từ 3-5 người, sau đó lập biên bản hội nghị cử tri gửi về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương. Thành phần, số lượng cử tri tham dự hội nghị trực tuyến hoặc lấy ý kiến thông qua hình thức gửi phiếu phải bảo đảm tuân thủ theo quy định; đảm bảo cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin về người được giới thiệu ứng cử để cử tri nghiên cứu, xem xét, thể hiện ý kiến.

Đối với việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, hướng dẫn nêu rõ, tùy tình hình thực tế tại địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương báo cáo cấp ủy, các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Việc tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Chú trọng các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình; phát tờ rơi, tờ gấp... về chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND đến địa bàn khu dân cư, hộ gia đình và cử tri. Ngoài ra, có thể lập đường dây nóng, tổng đài tự động hoặc mục hỏi - đáp trực tiếp trên website, cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương để cử tri phản ánh, trao đổi, góp ý về người ứng cử. 

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo