Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Hội Nông dân huyện Cần Giờ tích cực tuyên truyền, động viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Mô hình nuôi hàu ở xã Thạnh An

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Cần Giờ có diện tích đất tự nhiên 71.021,58 ha, trong đó, đất nông nghiệp là 44.769,87 ha. Cơ cấu ngành nghề trên địa bàn huyện đa dạng, phong phú về nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và dịch vụ, với trên 85% hộ dân sống trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Tích cực tuyên truyền nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất

Trong những năm qua, các cấp Hội nông dân huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, chất lượng cao, tận dụng tối đa mặt nước, bãi bồi ven sông, ven biển, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất…, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác đối với nông dân... Đây cũng là tiền đề, nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phát triển.

Hội đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phong trào chuyển mạnh sang hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và dạy nghề…, tạo điều kiện giúp các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển sản xuất; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ cho nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nắm vững các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, chú trọng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Hằng năm, 100% các cơ sở hội tổ chức triển khai, phát động thi đua và có trên 65% số hộ hội viên, nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Trên cơ sở các tiêu chuẩn quy định, các cấp hội tiến hành xây dựng kế hoạch chỉ đạo, phát động thi đua, cụ thể bằng các chỉ tiêu giao ước thi đua và được phát động sâu rộng đến cán bộ, hội viên, nông dân.

Giai đoạn 2017 - 2021, các cấp hội đã tổ chức tuyên truyền được 336 cuộc, cho 8.421 lượt hội viên, nông dân, liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến cán bộ, hội viên, nông dân thông qua các hình thức như tập huấn, hội thi, hội thảo, mạn đàm, đối thoại gặp gỡ giao lưu với lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể… Qua đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo ra sự nhận thức mới và hăng hái tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất trong nông dân. Từ đó, phong trào ngày càng có sức lan tỏa trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn; đã khích lệ, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua sản xuất, kinh doanh theo điều kiện tiềm năng và lợi thế của bản thân và gia đình, thực hành ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thường xuyên tạo ra sản phẩm mới đảm bảo chất lượng, an toàn và cạnh tranh về giá cả..., góp phần thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn vay

Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản, Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ nông dân thành phố, Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và các công ty cung cấp thức ăn, chế phẩm, thuốc thú y tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn trên hồ trải bạt, nuôi tôm theo công nghệ biofloc, tôm càng xanh, cá dứa, cá chim vây vàng, ươm nghêu trứng trên hồ trải bạt, sinh sản cua biển, trồng xoài VIETGAP, dưa lưới... 81 cuộc, với 4.572 lượt hội viên tham dự và tổ chức 17 cuộc hội thảo đánh giá mô hình trình diễn nuôi tôm thẻ ứng dụng công nghệ cao trên hồ trải bạt, thu hút 815 người tham dự; tổ chức 12 lớp dạy nghề với 385 người tham dự (kỹ thuật tỉa cắt cành tạo dán bonsai, trồng rau an toàn tiêu chuẩn VietGap (chuyên đề rau ăn lá), kỹ thuật trồng xoài VietGap, kỹ thuật chăm sóc xoài sau thu hoạch, máy trưởng, thuyền trưởng); kỹ thuật phương pháp sử dụng phân bón, sử dụng thuốc trừ sâu trên cây trồng và vật nuôi, du lịch cộng đồng, kỹ năng về tư duy thương mại, sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường; tổ chức 25 chuyến (670 lượt nông dân) tham gia đề án tổ chức đưa nông dân trực tiếp sản xuất đi nghiên cứu học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh thành như: Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, tham quan sản xuất cá giống, chế biến hải sản khô ở Ninh Thuận, Bình Thuận, mô hình nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hợp tác xã Trồng rau sạch ở huyện Bình Chánh, Hợp tác xã Trồng nấm tại Củ Chi và hoa cây kiểng ở Đồng Tháp; cử 2 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tham quan học tập mô hình sơ chế bảo quản hải sản tại Nhật Bản...

Hội còn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận được nhiều nguồn vốn đầu tư sản xuất, tránh tình trạng vay nóng, vay nặng lãi như nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, chương trình hỗ trợ lãi vay 655, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Cần Giờ... Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân TPHCM đã giải ngân cho 242 dự án (nuôi tôm thẻ chân trắng và gia công may mặc) có 1.694 lượt hộ vay với tổng số tiền là 99,4 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện (nguồn vận động hội nông dân các xã, thị trấn) đã vận động được hơn 558 triệu đồng, đã giải ngân 23 dự án cho 33 lượt hộ vay với số tiền 434 triệu đồng. Thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện củng cố, xây dựng được 112 tổ tiết kiệm và vay vốn, tiến hành cho vay theo các chương trình hộ nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch - vệ sinh môi trường, học sinh - sinh viên, xuất khẩu lao động, tính đến nay, tổng số dư nợ hơn 229,5 tỉ đồng. Quỹ Vì người nghèo giải ngân 39 dự án cho 230 lượt hộ với số tiền 2,82 tỷ đồng (không lãi suất)...

Những gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Qua tổng kết phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2021, Cần Giờ có 12.167 lượt hội viên, nông dân đăng ký thực hiện. Qua bình xét, có 8.772 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; trong đó, cấp thành phố có 235 hộ, cấp huyện có 1.327 lượt hộ, cấp xã - thị trấn có 7.210 lượt hộ.

Một số sản phẩm tiêu biểu trưng bày trong Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017 - 2021 Một số sản phẩm tiêu biểu trưng bày trong Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017 - 2021

Trong đó, nhiều gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi gắn với các mô hình tiêu biểu như: ông Nguyễn Hữu Nhơn (ấp Bình Thạnh, xã Bình Khánh) nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 2,1ha, năm 2017, ông chuyển sang đầu tư mô hình ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm trên hồ lót bạt. Hằng năm, ông thu về lợi nhuận trên 3,3 tỷ đồng. Ông còn tham gia hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, cách làm ăn cho trên 15 hộ nghèo và 5 lao động thu nhập 7 triệu đồng/lao động.

Ông Nguyễn Văn Đổi (ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An) sản xuất muối kết tinh trên ruộng trải bạt, kết hợp nuôi tôm sú vào mùa mưa trên diện tích 5 ha, mỗi vụ có lãi trên 100 triệu đồng. Ông luôn hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm và sản xuất muối cho nhiều nông dân, giúp cho 10 hộ mượn vốn số tiền 50 triệu đồng để phát triển sản xuất.

Ông Lê Văn Tâm (ấp Trần Hưng Đạo, xã Tam Thôn Hiệp) nuôi cua trên diện tích 2 ha đất nhà. Hằng năm, ông thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Ông cũng hỗ trợ kỹ thuật cho trên 15 hộ và cho các hộ nghèo mượn vốn 30 triệu đồng để sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh (ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp) thành công với mô hình nuôi yến lấy tổ trong nhà. Với diện tích 360 m2, bà thu hoạch 120kg/năm, bán với giá 26 triệu/không gian, doanh thu hằng năm trên 3,1 tỷ đồng.

Ông Đặng Văn Còn (ấp Đồng Tranh, xã Long Hòa) nuôi hàu trên diện tích 1 ha, thu nhập hằng năm trên 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động, giúp kinh nghiệm làm ăn cho 6 hộ và cho 18 hộ nghèo mượn vốn sản xuất với số tiền 54 triệu đồng…

Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo được khí thế sôi động trong sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết trong nội bộ nông dân, phát huy tính cần cù chịu khó, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, làm xuất hiện nhiều mô hình làm ăn mới, có hiệu quả góp phần vào phong trào nông dân giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Cẩm Tú - Quốc Hùng


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo