Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn, góp phần bảo vệ môi trường

Các em học sinh trường Mầm non Măng Non II (Quận 10) bỏ hộp giấy đúng quy định sau khi uống sữa

(Thanhuytphcm.vn) – Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TPHCM về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xã rác ra đường và kênh rạch vì TP sạch và giảm ngập nước”; cùng với đó là Chương trình “Một giây hành động – Bảo vệ môi trường” đã triển khai tại hơn 600 trường học trên địa bàn TPHCM trong năm học 2018 – 2019, các em học sinh trên địa bàn TP ngày càng hiểu rõ về sự cần thiết của hoạt động phân loại, thu gon, tái chế. Đặc biệt, không chỉ các em học sinh, mà kể cả giáo viên, phụ huynh và cộng đồng cũng tích cực chung tay tham gia phân loại, thu gom, tái chế vỏ hộp giấy.

Em Phạm Ngọc Đông A, học sinh  lớp 3 trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Quận 2 cho biết: Ngay từ đầu năm học, em đã bắt đầu tham vào chương trình “Một giây hành động – Bảo vệ môi trường” qua sự hướng dẫn của các thầy cô giáo trong trường. Kể từ đó, mỗi ngày sau khi uống sữa đã thu gom vỏ hộp sữa mang vào trường để các thầy cô giáo gửi đi đến nhà máy tái chế.

Từ khi tham gia chương trình đến nay em đã thu gom được gần 300 vỏ hộp sữa. Bên cạnh đó, em còn vận động anh chị em họ cùng tham gia vào chương trình. Khi biết được vỏ hộp sữa có thể tái chế thành khung ảnh, hộp, sổ tay, tấm lợp, bình hoa…em đã ý thức hơn với việc thu gom vỏ hộp sữa và mang đến trường để cho các thầy cô giáo đưa đi đến nhà máy để tái chế. Từ chương trình, em cũng hiểu được tác hại của việc xả rác không đúng nơi quy định, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống xung quanh và cần phải bảo vệ môi trường” – em Phạm Ngọc Đông A chia sẻ.

Cùng với Phạm Ngọc Đông A, có hơn 500.000 học sinh trên địa bàn TPHCM đã cùng học cách xử lý và phân loại vỏ hộp để thu gom và tái chế sau khi uống sữa tại trường; 23 tổ chức, sở, ngành và đoàn thể tại nhiều quận, huyện cũng hưởng ứng tích cực.

Hiệu trưởng trường Mầm non Măng non II (Quận 10) Nguyễn Thị Thu Lan cho biết: Trong năm học 2019 - 2020, trường đã tuyên truyền trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh và trẻ về giáo dục bảo vệ môi trường, quan tâm đến việc xây dựng môi trường “Xanh – sạch – đẹp – an toàn”. Bên cạnh đó, trường phát động sáng tác bài hát, bài thơ, bài vè có nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên biển, hải đảo, tiết kiệm năng lượng, giảm sử dụng túi ni lông… Qua đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện nước khi sử dụng, sử dụng các nguyên vật liệu mở như chai, lọ, bình nhựa, võ bánh xe, hộp sữa…. làm các chậu cây, thùng rác, bức tranh đã mang lại hiệu quả cao.

Vỏ hộp sữa sau khi sử dụng được các em học sinh thu gom lại đem tái chế để bảo vệ môi trường Vỏ hộp sữa sau khi sử dụng được các em học sinh thu gom lại đem tái chế để bảo vệ môi trường

Còn Phó hiệu trưởng trường mầm non Rạng Đông 5 (Quận 6) Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết: Trường đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan sinh động, diễn kịch về lợi ích của việc tái chế, hạn chế xả thải ra môi trường đến học sinh toàn trường. Vận động các em mỗi ngày sau khi uống sữa giữ lại vỏ hộp, bỏ đúng nơi quy định để có thể tái chế được. Việc giáo dục cho các em về ý thức bảo vệ môi trường từ lứa tuổi mầm non sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.

Chương trình “Một giây hành động – Bảo vệ môi trường” do Công ty Cổ phần Tetra Pak Việt Nam phối hợp một số đơn vị tổ chức. Ban tổ chức cho biết sẽ mở rộng hoạt động phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa trên địa bàn TPHCM. Bước sang giai đoạn II, chương trình mở rộng thêm 400 trường và thực hiện 4 “Ngôi nhà vỏ hộp giấy” tại một số hệ thống siêu thị để người tiêu dùng có thể mang vỏ hộp giấy đựng đồ uống qua sử dụng tới nơi thu gom và tái chế. “Ngôi nhà vỏ hộp giấy” được sản xuất bằng chất liệu tái chế từ vỏ hộp giấy, thân thiện với môi trường sẽ là nơi hướng dẫn, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong sử dụng vỏ hộp giấy.

“Hầu hết những trường tham gia chương trình đã làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn và kiểm tra việc phân loại vỏ hộp sữa sau khi học sinh uống xong, cũng như giúp đảm bảo chất lượng vỏ hộp thu gom đạt tiêu chuẩn tái chế”- Giám đốc phụ trách môi trường của Tetra Park Việt Nam Lý Trang cho biết và nhấn mạnh: Qua chương trình thí điểm này, các em học sinh ngày càng hiểu rõ về sự cần thiết của hoạt động phân loại, thu gon, tái chế. Đặc biệt, không chỉ các em học sinh, mà kể cả giáo viên, phụ huynh và cộng đồng cũng tích cực chung tay tham gia phân loại, thu gom, tái chế vỏ hộp giấy.

Vỏ hộp giấy tuy chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng chất thải rắn tại Việt Nam, nhưng thực hiện thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đã qua sử dụng sẽ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon, góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị 19 của Thành ủy về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xã rác ra đường và kênh rạch vì TP sạch và giảm ngập nước”.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ khu vực đô thị và hộ gia đình nông thôn lần lượt là khoảng 37.000 tấn/ngày và hơn 24.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, việc thu gom và tái chế chất thải rắn ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Chương trình “Một giây hành động – Bảo vệ môi trường” được đánh giá là chương trình thiết thực, góp phần thúc đẩy thu gom và tái chế rác thải tại Việt Nam.

Long Hồ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo