Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Giới thiệu nét đẹp Áo dài Việt đến bạn bè quốc tế

Trình diễn hành trình lịch sử của tà Áo dài Việt Nam

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 8/3, trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TPHCM 2018 và chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Sở Du lịch TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TPHCM và Công ty Cổ phần Dấu ấn Sài Gòn phối hợp tổ chức tọa đàm “Nét đẹp Áo dài Việt” nhằm giới thiệu nét đẹp văn hoá Việt qua lịch sử phát triển tà áo dài Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Tại tọa đàm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết từ lần đầu tổ chức vào năm 2014, Lễ hội Áo dài TPHCM nhằm tôn vinh trang phục Áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam đã từng bước phát triển thành hoạt động văn hoá - du lịch quan trọng, khẳng định “thương hiệu” du lịch TP, góp phần quảng bá TPHCM là điểm đến hấp dẫn an toàn. Đây cũng là lần đầu tiên trong khuôn khổ Lễ hội có một sự kiện hướng đến các nhà hoạt động ngoại giao tại các cơ quan lãnh sự, ngoại giao đoàn, các hội hữu nghị, tổ chức phi chính phủ trên địa bàn TP nhằm giới thiệu đến bạn bè quốc tế những giá trị văn hóa Việt thông qua hình ảnh chiếc Áo dài. 

“Với sự có mặt của các nữ Tổng Lãnh sự, phu nhân và phu quân Tổng Lãnh sự, đại diện lãnh sự các nước Ấn Độ, Cuba, Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, Singapore, Indonesia, Malaysia…, tôi mong rằng Áo dài Việt Nam và Lễ hội Áo dài TPHCM tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tạo môi trường giao lưu văn hoá và quảng bá du lịch TP” - bà Nguyễn Thị Ngọc Bích bày tỏ.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đã cùng chia sẻ, trao đổi về hành trình lịch sử của Áo dài trong đời sống và văn hóa Việt, những câu chuyện về chiếc Áo dài trong văn hóa ngoại giao, những ấn tượng về nét đẹp Áo dài Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, vai trò “sứ giả văn hóa” của Áo dài Việt Nam, thời trang Áo dài và giới hạn của sự cách tân…

Là người sáng lập nên Bảo tàng Áo dài đầu tiên tại Việt Nam, nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho rằng, nét độc đáo nhất của Áo dài, vốn được xem là quốc phục của người Việt, là sự vận động, cách tân cả kỹ thuật lẫn mỹ thuật trong quá trình phát triển khiến Áo dài luôn hiện đại, phù hợp với tiến trình xã hội. Từ chiếc áo tứ thân, năm thân được ghi nhận trong các bức vẽ ở cuối thế kỷ 16 - đầu thế kỷ 17, mẫu áo tứ thân thêu dệt công phu sử dụng trong hoàng tộc triều Nguyễn, đến mẫu áo dài hiện đại đầu tiên lấy cảm hứng từ đầm phương Tây của nhà thiết kế Nguyễn Cát Tường - Lê Phổ, Áo dài hở cổ và cổ cao, Áo dài phong cách hippy trong thế kỷ XX, rồi Áo dài thổ cẩm, Áo dài vẽ trong thế kỷ XXI… đã cho thấy sức sống mãnh liệt của tà Áo dài Việt Nam. 

“Áo dài dường như không chỉ là trang phục mà còn là biểu tuợng đẹp về văn hoá, đã trở thành một “đại sứ văn hoá” của Việt Nam, cũng như truyền thông điệp: đất nước Việt Nam phát triển và hội nhập trên nền tảng tiếp bước cội nguồn văn hóa Việt, cũng như sự vận động của hình tượng tà Áo dài Việt Nam” - nhà thiết kế Sỹ Hoàng nhấn mạnh.

Các nhà ngoại giao trong trang phục Áo dài Các nhà ngoại giao trong trang phục Áo dài

Là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, nắm giữ nhiều cương vị quan trọng trong công tác đối ngoại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Tôn Nữ Thị Ninh – luôn chọn trang phục Áo dài khi xuất hiện trong các sự kiện ngoại giao – đã chia sẻ kỷ niệm về chương trình thời trang Áo dài ở lần đầu tiên tổ chức sự kiện Tuần lễ Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. “Vào năm 2000, đã 25 năm kết thúc chiến tranh nhưng bạn bè quốc tế vẫn biết rất ít về Việt Nam. Tôi nghĩ cần một festival để giới thiệu văn hóa Việt, khuấy động cộng đồng người Việt ở nước ngoài nhằm khơi dậy tình cảm, sự quan tâm đối với Việt Nam. Tôi rất vui khi một quan chức cấp cao của EU đã khen Áo dài Việt Nam đẹp và quan trọng hơn là Việt Nam đã nâng trình độ trong thiết kế và thẩm mỹ lên rất cao và rất nhanh – một lời khen chứa nhiều hàm ý ghi nhận sự phát triển về nhiều mặt của đất nước. Các mối quan hệ luôn phát triển bằng văn hoá, hiểu nhau về văn hoá có thể thúc đẩy phát triển kinh tế, giáo dục, nhiều lĩnh vực khác và quay trở lại thúc đẩy quan hệ chính phủ”, bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ.

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng cũng chia sẻ những nguyên tắc nghiêm ngặt trong việc thiết kế trang phục Áo dài cho các nữ lãnh đạo, phu nhân các lãnh đạo cấp cao sao cho vừa đảm bảo thoải mái mà vẫn trang trọng, thể hiện được sự tôn kính và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam dưới mọi góc độ của ống kính truyền thông. Đặc biệt, năm 2012, nhà thiết kế Sỹ Hoàng đã vinh dự thiết kế 5 chiếc Áo dài cho Nữ hoàng Đan Mạch đến thăm Việt Nam. “Tôi rất vinh dự khi Nữ hoàng và Công nương Đan Mạch đã mặc Áo dài trong một sự kiện và lưu giữ những bộ Áo dài này. Tôi tin rằng Áo dài có sức thuyết phục mãnh liệt, và hiện nay đã không còn là trang phục của riêng người Việt Nam nữa. Qua Áo dài, chúng ta có thể đưa văn hoá Việt hội nhập với thế giới mà không hoà tan”, nhà thiết kế Sỹ Hoàng bày tỏ cảm nghĩ.

Các Đại sứ hình ảnh của Lễ hội Áo dài TPHCM tại buổi tọa đàm Các Đại sứ hình ảnh của Lễ hội Áo dài TPHCM tại buổi tọa đàm

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM K.Srikar Reddy bày tỏ ấn tượng đặc biệt với vẻ duyên dáng và sang trọng của tà áo dài Việt Nam. “Tôi cho rằng có sự tương đồng giữa Áo dài Việt Nam với trang phục Sari dành cho nữ và Dhoti dành cho nam của Ấn Độ. Năm 2015, hai nước tổ chức giao lưu văn hóa có việc phối hợp Sari và Áo dài. Thật bất ngờ khi chất liệu làm Sari của chúng tôi khi may Áo dài lại vô cùng phù hợp. Tôi cũng nghĩ rằng Áo dài có thể được nhân rộng tại Ấn Độ vì người Ấn rất thích những kiểu dáng trang phục như Áo dài”, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM K.Srikar Reddy cho biết…

Ngọc Tuyết - Hương Thảo

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo