Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Giải quyết những bất cập trong phòng, chống ma túy thời gian tới

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an. (Ảnh: Như Quỳnh)

(Thanhuytphcm.vn) – Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (C04, Bộ Công an) cho biết, hiện nay, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc sử dụng ma túy tổng hợp. Bối cảnh đó, cần có những quy định mới, phù hợp với thực tiễn trong phòng, chống ma túy.

Luật Phòng, chống ma túy 2021 đi vào cuộc sống từ ngày 1-1-2022 sẽ giải quyết được các quan hệ xã hội mới liên quan đến công tác phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng trước đó chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Luật Phòng, chống ma túy 2021 sẽ có các quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; giải quyết những bất cập trong các quy định về công tác cai nghiện; sẽ thống nhất, đồng bộ một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy với các văn bản pháp luật khác.

Theo lãnh đạo C04, những năm gần đây trung bình phát hiện trên 140.000 người sử dụng trái phép chất ma túy mỗi năm. Trong đó, nhiều trường hợp sử dụng các loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần đầu đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình, gây ra các vụ thảm án, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, có những vụ đối tượng sử dụng ma túy lên cơn nghiện, "ngáo đá" giết chính người thân trong gia đình.

Hiện nay, quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập. Từ 2009-2021, số người nghiện có hồ sơ quản lý trong cả nước tăng từ hơn 146.000 người lên hơn 246.000 người (tăng 68%). Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội còn nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội; điều kiện về cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện chưa bảo đảm; chưa có quy định cụ thể về cai nghiện ma túy với người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy.

Sau khi được ban hành, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 sẽ "ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy", có thêm các quy định mới về quản lý người nghiện ma túy bao gồm xác định tình trạng nghiện ma túy, thủ tục cai nghiện ma túy. Trong đó có lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Luật Phòng, chống ma túy 2021 đã bổ sung một số hành vi bị cấm, như: Hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy; kiểm nghiệm, kiểm định, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, bảo quản chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật; cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần trái quy định của pháp luật; chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy; hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy; kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.

Lãnh đạo C04 cho biết, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy 2021 để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng công an là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Luật đi vào cuộc sống, sẽ mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo