Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Giá trị Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thực tiễn xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Bức ảnh “Bình minh Thành phố” của tác giả Giang Sơn Đông (TPHCM). (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại bản Di chúc thiêng liêng trước khi Người “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác”, tư tưởng nhân văn sâu sắc và định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi qua bản Di chúc vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Tư tưởng nhân văn sâu sắc thể hiện qua từng câu, từng chữ của bản Di chúc.  Mở đầu bản Di chúc, Người khẳng định chắc chắn sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và ý định của Người khi đất nước đã được giải phóng, non sông liền một dải, người sẽ đi khắp hai miền Nam, Bắc “để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thǎm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý”. Đồng thời, “sẽ thay mặt nhân dân ta đi thǎm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp nǎm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Đó là đạo lý, là nhân nghĩa Việt Nam đã được sản sinh qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước, kết tinh và hội tụ ở thời đại Hồ Chí Minh.

Phát huy tinh thần và sức mạnh “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, Người có một niềm tin vững chắc “Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”. Không chỉ canh cánh nỗi niềm về nước nhà chưa được độc lập, đất nước chưa được thống nhất, đồng bào vẫn còn chưa đủ cơm ăn, áo mặc… qua bản Di chúc Người còn đau đáu với sự nghiệp cách mạng chung của nhân dân thế giới “ tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”, đau lòng “vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em”.

Ở Hồ Chí Minh, nhân văn Việt Nam đã hòa chung vào tinh thần quốc tế vô sản cao cả. Suốt cuộc đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân, cho đến trước lúc ra đi, Người cũng chỉ  “mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Và Người “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Đó là nhân văn Hồ Chí Minh! Nhân văn của người Cộng sản lỗi lạc!

Không chỉ thấm đẫm tính nhân văn, Di chúc của Người còn định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước. Trước hết, Người khẳng định vai trò, vị trí và sứ mạng của đảng cầm quyền; nhắc nhở “mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Trong bản Di chúc, Người quan tâm căn dặn “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người chỉ rõ phương thức để Đảng thực hiện được sứ mạng của mình là “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Tiếp đến, Người quan tâm sâu sắc đến việc “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước là sự nghiệp quan trọng hàng đầu, để có những thế hệ “vừa hồng, vừa chuyên” có thể đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

50 năm qua, vấn đề đào tạo đạo đức cách mạng, bồi dưỡng nhân tài theo Di chúc của Người luôn được Đảng và Nhà nước đặt lên hàng đầu trong mục tiêu xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong Di chúc Người đề cao những đức tính của nhân dân “nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù”; Người thấu hiểu hoàn cảnh của nhân dân “đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh”; và chỉ rõ sức mạnh to lớn cũng như vai trò động lực cách mạng của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, “nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Vì thế “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Đây là sứ mạng lớn nhất của Đảng sau khi đã hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, chuyển sang làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch, 44 năm qua (1975-2019), Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ trí tuệ và trách nhiệm xây dựng mối đoàn kết trong toàn Đảng bộ; quan tâm bồi dưỡng các thế hệ công dân; chăm lo phát triển đời sống cho nhân dân; “Cùng cả nước, vì cả nước” xây dựng và phát triển Thành phố trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn nhất của cả nước. Từ tháng 12 năm 2013, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Mục tiêu tổng quát của bản quy hoạch chỉ rõ: Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Vùng và cả nước; đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn[1].

Thành phố đã đẩy nhanh quá trình đô thị hóa thành phố, nhằm tăng cường quản lý đô thị, tích cực chỉnh trang đô thị theo hướng khả thi và thực tế hơn, nhằm cải thiện điều kiện ăn ở, sinh hoạt, làm việc của người dân. Thành phố đã triển khai gắn quy hoạch Thành phố với quy hoạch vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ; gắn quy hoạch xây dựng chung với quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch ngành - lĩnh vực. Bức tranh đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã hiện rõ với các khu đô thị hiện đại: Khu đô thị mới Nam Sài Gòn với diện tích khoảng 3.000 ha. Ở đây đã hình thành đô thị mới Phú Mỹ Hưng, khu đại học-dân cư Trung Sơn, khu dân cư gắn với Trung tâm thương mại Bình Điền. Trong đó khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã trở thành một khu đô thị mới kiểu mẫu của Thành phố và trên phạm vi toàn quốc. Khu đô thị cảng Hiệp Phước vươn ra biển, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc đang dần dần được xây dựng, trong đó khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ trở thành trung tâm mới của Thành phố Hồ Chí Minh đối diện với trung tâm cũ là khu vực quận 1, quận 3, quận 5 hiện nay. Ngoài ra, còn nhiều khu đô thị mới đã được quy hoạch chi tiết 1/2000 và đang dần dần được hình thành, như: Về phía Đông Bắc có khu đô thị An Phú – An Khánh, khu đô thị mới Nam Xa lộ Hà Nội – quận 2, khu đô thị Bắc Rạch Chiếc – quận 2; khu đô thị Long Bình – quận 9; khu đô thị Thạnh Mỹ Lợi. Về phía Tây Bắc có khu đô thị An Phú Hưng – Hóc Môn, khu đô thị Tây Bắc – Củ Chi. Về phía Đông Nam có khu Nhơn Đức – Phước Kiểng – Nhà Bè, khu du lịch lấn biển Cần Giờ… Hình hài một Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại gồm khu vực trung tâm hiện hữu và các thành phố Đông, Đông Bắc, Tây Bắc và phía Nam gắn với vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm với kết cấu hạ tầng đô thị đa chiều, xuyên tâm đang hình thành.

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đã phát triển theo mô hình đô thị hiện đại, văn minh mà vẫn đậm bản sắc nghĩa tình thấm đẫm tính nhân văn. Dù vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, song, trong mắt người dân Thành phố và bạn bè quốc tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển biến sâu sắc, tươi đẹp hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn. Kinh tế Thành phố tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, Thành phố luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Đến cuối năm 2018, mặc dù, diện tích đất đai của Thành phố chỉ chiếm 0,6%, dân số chiếm 10% cả nước nhưng kinh tế đã đóng góp 22% vào tổng sản phẩm nội địa quốc gia (GDP); công tác giảm nghèo đã đạt dấu mốc quan trọng khi chỉ qua 3 năm 2016-2018, có hơn 59.600 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo và hơn 58.300 hộ cận nghèo vượt chuẩn cận nghèo, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2016- 2020 trước 2 năm. Là một đô thị đặc biệt của cả nước, sự phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố có tác động ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tác động đến sự phát triển chung của cả quốc gia.

PGS.TS Trần Thị Mai

Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM

-------------------------------

[1] Quyết định  số 2631/QĐ-TTg, ngày 31 tháng 12 năm 2013,  Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo