Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Dựa vào dân để phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Giới thiệu tóm tắt về tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Nguồn: TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Vừa qua, nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách cho thấy sự nhất quán giữa nói và làm, sự kiên trì, đấu tranh không ngừng nghỉ; sự thống nhất giữa những nung nấu nhiều năm và hành động quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của đồng chí Tổng Bí thư, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta ngày thêm trong sạch, vững mạnh, như nhận định của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại buổi Lễ ra mắt sách.

Với nội dung rất phong phú trong cuốn sách dày hơn 600 trang, mỗi người có thể có những lĩnh hội, tâm đắc riêng. Dẫu vậy, hẳn nhiều người sẽ nhận ra quan điểm nhất quán của đồng chí Tổng Bí thư về một trong những giải pháp quan trọng để phòng và chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là, nếu không dựa vào dân thì cuộc chiến này khó có thể thành công.

Trên quan điểm phải dựa vào dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, trong sách, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh về phương pháp, cách thức phòng chống tiêu cực: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”. Tổng Bí thư khẳng định: “Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công”.

Trong thực tiễn hoạt động của mình, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã xác định: Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Từ đó, đề ra mục tiêu tổng quát, định hướng toàn bộ phương châm, tư tưởng hành động và các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã đề ra một số chủ trương về công tác này: “Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; “tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”; “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng”; “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; “tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”…

Đó mới chỉ ở Đại hội XIII; nhìn rộng hơn, ở các Đại hội trước, các kỳ họp Trung ương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng nói riêng và tiêu cực nói chung là nhất quán. Trong đó, Đảng ta đã khẳng định, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính. Tức là, phòng chống tham nhũng là tiền đề, là động lực để giữ vững ổn định chính trị, phát triển đất nước, xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, từ đó, mới có thể củng cố lòng tin của nhân dân…

Nếu nhân tố quyết định việc thực hiện thành công mục tiêu đó là sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng thì động lực và lực lượng hết sức quan trọng để công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực có thể giành được thắng lợi chính là phải dựa vào dân. Đó là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí, mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... Dân với tính chất rộng nhất, khái quát nhất, chính là lực lượng cực kỳ quan trọng để phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Chúng ta có thể dẫn nhiều thí dụ. Nhiều năm trước, người dân phát hiện một lãnh đạo cấp tỉnh đi xe biển số công vụ không đúng tiêu chuẩn, từ đây, sau khi báo chí lên tiếng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, điều tra và phát hiện nhiều sai phạm khác, như vị lãnh đạo này được luân chuyển không đúng quy định, khi giữ nhiệm vụ lãnh đạo ở đơn vị doanh nghiệp trước đó, vị này đã có nhiều sai phạm, gây thiệt hại lớn tài sản của nhà nước… Việc xử lý không chỉ với cá nhân vị này mà còn liên quan đến một số cán bộ lãnh đạo khác, có tác động rất lớn đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung sau đó.

Hay với nhìn nhận là một lực lượng mang tính “tai mắt” của nhân dân, báo chí đã có những đóng góp rất quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Phát biểu tại lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực  lần thứ ba, năm 2020 - 2021 (ngày 13/11/2021), Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã ghi nhận các đóng góp rất quan trọng của các cơ quan báo chí và các nhà báo cách mạng như những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, sau 3 lần tổ chức, giải ngày càng thu hút được sự quan tâm của xã hội và sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, các nhà báo. Nhiều nhà báo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; vượt qua mọi “cám dỗ”, “cạm bẫy”, vượt qua nỗi lo “cơm áo” thường ngày để dấn thân bám sát đến cùng các vụ việc, giúp các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực; được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao…

Ở vai trò cụ thể hơn, chính người dân có thể phát hiện cán bộ, đảng viên sinh hoạt ở nơi cư trú có bao nhiêu bất động sản, có lối sống sinh hoạt thế nào, có vi phạm pháp luật nào hay không, có thể hiện tính tiên phong, gương mẫu hay không… Chẳng hạn, giả sử có cán bộ lãnh đạo ở đơn vị công tác luôn thể hiện mình trong sạch, có đạo đức nhưng qua phiếu nhận xét đảng viên nơi cư trú lại thể hiện sự cách biệt với người dân, không gắn bó với cấp ủy tại địa phương, có hành vi xây dựng nhà vi phạm pháp luật, có lối sống xa hoa… Nếu cấp ủy nơi cư trú thẳng thắn, trung thực và có trách nhiệm, mạnh dạn phản ánh ý kiến của người dân về các biểu hiện này thì chắc chắn góp phần chấn chỉnh sai sót, vi phạm của vị lãnh đạo ấy.

Tất nhiên, dựa vào dân để phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn với tổ chức của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, có tinh thần trách nhiệm và thể hiện rõ tính xây dựng; đồng thời, tất cả các hoạt động phải trên cơ sở quy định của pháp luật, kỷ luật của Đảng. Sự tùy tiện, lạm dụng hoặc thực hiện một cách sai trái yếu tố “dựa vào dân” có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo