Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Kỷ niệm 91 năm Ngày Truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 – 1/8/2021)

Đồng chí Trần Trọng Tân: Tấm gương sáng về sự tự học

Đồng chí Trần Trọng Tân phát biểu tại Tọa đàm khoa học kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười Nga, ngày 6/11/2007.

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Đồng chí Trần Trọng Tân tên thật là Trần Trọng Hoãn, sinh ngày 15/10/1926, tại xã Tân Mỹ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Thừa hưởng truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình, ông tham gia cách mạng từ rất sớm và đứng vào hàng ngũ của Đảng khi mới 20 tuổi. Năm 24 tuổi (1950), ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Từ năm 1955 - 1959, ông tham gia công tác tuyên huấn của Đảng. Năm 1961, ông được phân công làm Ủy viên Thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Năm 1967, ông được cử hoạt động bí mật ở Sài Gòn với nhiệm vụ Phó ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Đảng ủy cánh Tuyên huấn nội thành, Bí thư Ban Cán sự văn nghệ sĩ, Bí thư Ban Cán sự báo chí ký giả nội thành. Năm 1969, ông địch bắt giam, sau đó đày ra Côn Đảo, đến tháng 6/1975, sau khi trở về, ông được phân công làm Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy TPHCM. Năm 1980, ông được điều động tham gia công tác giúp bạn và là Ủy viên Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam (1980 - 1986), có lúc làm Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia ở Campuchia. Đến năm 1986, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử giữ chức Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Năm 1991, ông được điều động về TPHCM, giữ nhiệm vụ Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy cho đến lúc nghỉ hưu năm 1997. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục giúp Thành ủy một số vấn đề về công tác tư tưởng của Đảng bộ. Ông từ trần ngày 4/8/2014 tại TPHCM.

Đối với hầu hết những người được làm việc cùng và gặp gỡ khá thường xuyên với đồng chí Trần Trọng Tân, người mà nhiều người gọi là “chú Hai”, “bác Hai”, thì đều nhận thấy ông là một tấm gương sáng về tinh thần học tập, nhất là sự tự học. Ông tự học gần như trong suốt cuộc đời, từ khi còn trẻ tuổi cho đến khi nằm trên giường bệnh.

Đồng chí Trần Trọng Tân đến với cách mạng từ người cha, một đảng viên cộng sản hoạt động cùng thời với đồng chí Lê Duẩn, sau đó được người chú họ là Trần Quốc Thảo giác ngộ. Nhưng trong một câu chuyện ông kể lại, những từ “cộng sản”, “chủ nghĩa xã hội”… là ông đọc được từ một cuốn sách bằng tiếng Pháp do một cha cố người Pháp có cảm tình với cách mạng bí mật chuyền tay. Như vậy, việc học khá tiếng Pháp - mà bấy giờ được cho là “tiếng mẹ đẻ” (còn tiếng Việt bị liệt vào “ngoại ngữ”) đã góp phần quan trọng vào con đường đến với lý tưởng cộng sản của ông.

Đến khi Nhật vào Đông Dương, ông lại mày mò tự học tiếng Nhật, nhờ đó có thể giao tiếp được với người Nhật. Vì có vốn tiếng Nhật nên khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, ông được Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Cam Lộ (Quảng Trị) giao nhiệm vụ liên hệ và vận động quân Nhật, góp phần vào việc giành được chính quyền cách mạng tại đây.

Đồng chí Trần Trọng Tân dự triển lãm chuyên đề về Bác Tôn tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, ngày 30/3/2009. Đồng chí Trần Trọng Tân dự triển lãm chuyên đề về Bác Tôn tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, ngày 30/3/2009.

Bên cạnh vai trò là nhà hoạt động cách mạng liên tục, xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông Trần Trọng Tân còn được nhiều người nhớ đến hơn cả ở vai trò của một nhà lý luận, một nhà tư tưởng sắc bén của Đảng. Đó là kết quả của việc nỗ lực tự học đáng nể. Lần thứ nhất, trong thời kháng chiến chống Pháp, lúc ông đang là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, do vợ ông được cơ sở đưa vào vùng địch tạm chiếm để sinh con vì điều kiện tại nơi ở quá khó khăn, có ý kiến “ra vào” về điều này, vì vậy, ông ra Việt Bắc để báo cáo với Trung ương... Thời gian này, được dự các lớp nghiên cứu của Đảng tổ chức, ông mới chính thức tìm hiểu một cách căn bản các tác phẩm kinh điển của Mác - Ăngghen - Lênin.

Lần thứ hai, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, do có ý kiến vu khống ông không giữ được khí tiết cách mạng trong những ngày tù đày, trong thời gian chờ nhận công tác, ông tiếp tục việc học tập bằng cách nghiên cứu các tác phẩm kinh điển và văn kiện của Đảng. Nhờ nắm vững lý luận Mác - Lênin và đường lối cách mạng của Đảng mà trong thời gian làm chuyên gia ở Campuchia hay sau này làm Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, ông Trần Trọng Tân đều có những đóng góp quan trọng, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, được đồng chí, đồng nghiệp tin cậy, kính trọng.

Đồng chí Trần Trọng Tân phát biểu trong buổi gặp mặt chúc mừng năm mới của Thường trực Thành ủy TPHCM tại Ban Tuyên giáo Thành ủy, ngày 8/2/2011. Đồng chí Trần Trọng Tân phát biểu trong buổi gặp mặt chúc mừng năm mới của Thường trực Thành ủy TPHCM tại Ban Tuyên giáo Thành ủy, ngày 8/2/2011.

Hồi bị địch giam cầm (1969 - 1975), là người lãnh đạo các cuộc đấu tranh ở nhà tù Côn Đảo, dù bị hành hạ dã man, ông vẫn tổ chức cho anh em học văn hóa, lý luận chính trị. Bản thân ông thì không ngừng học tiếng Anh theo giáo trình English for today. Sau này ông nhớ lại, tự học thì viết được, đọc được nhưng nói thì người ta không hiểu mấy và cũng không hiểu người ta nói gì… Nhưng vốn tiếng Anh này cũng giúp ông ít nhiều trong việc đọc các tài liệu trong quá trình công tác… Riêng về học ngoại ngữ, có lần ông tỏ ý ân hận là đã không học tiếng Campuchia trong thời gian công tác tại đây…

Tinh thần học tập của ông Trần Trọng Tân còn thể hiện trong việc viết báo hay trong các phát biểu. Mỗi lần viết về một vấn đề gì, ông luôn đề ra hai yêu cầu: có gì mới (cho người đọc) và phải đúng đắn, chính xác. Vì vậy, ông luôn phải đào sâu suy nghĩ để đề cập các điểm mà người khác chưa nhắc đến hoặc chưa được làm rõ. Mỗi luận chứng, luận cứ ông nêu ra đều được tra cứu, tìm tòi thấu đáo, nhưng không hề lệ thuộc vào tài liệu, không sử dụng tư liệu đó nếu thấy không đủ độ tin cậy. Theo ông, qua mỗi bài viết, bằng sự tìm tòi, tra cứu, cũng là một việc học.

Ham học, quý sự học nên ông Trần Trọng Tân luôn ủng hộ các cán bộ trẻ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Với các cán bộ trẻ đi học, ông dặn dò: “Học thì phải hỏi, có vậy mới mau tiến bộ!”.

Đồng chí Trần Trọng Tân và các đại biểu trao đổi tại Hội thảo khoa học "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước", ngày 31/5/2011. Đồng chí Trần Trọng Tân và các đại biểu trao đổi tại Hội thảo khoa học "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước", ngày 31/5/2011.

Những tháng cuối đời nằm trong bệnh viện, nhiều người vào thăm vẫn thấy ông đọc sách, đọc văn kiện Đảng. Đến lúc bác sĩ và người nhà “không cho” đọc nữa thì ông nghe radio và xem tivi để cập nhật tin tức, thời sự. Chỉ ít ngày cuối cùng ông mới thôi học…

Tháng 8/2014, sau đám tang của ông Trần Trọng Tân diễn ra tại TPHCM, theo nguyện vọng lúc sinh thời của ông, toàn bộ số tiền 1,25 tỷ đồng phúng điếu trong lễ tang được gia đình dùng làm công tác từ thiện. Trong số đó, gia đình trao 300 triệu đồng cho Ban Liên lạc Cựu tù chính trị để giúp đỡ các cựu tù chính trị có hoàn cảnh khó khăn; 300 triệu đồng trao cho Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM để chăm lo các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ cựu cán bộ tuyên giáo có hoàn cảnh khó khăn; 250 triệu đồng trao cho tỉnh Quảng Trị để xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học; 50 triệu đồng cho quận Tân Bình và 50 triệu đồng cho Phường 2 (quận Tân Bình) để xây dựng nhà tình thương cho các hộ nghèo; 100 triệu đồng dùng để thăm và tặng quà các cơ sở cách mạng nuôi giấu, che chở cho ông trong thời gian hoạt động bí mật tại Sài Gòn trước 1975; 150 triệu đồng để xây dựng 1 cây cầu nông thôn tại tỉnh Đồng Tháp; 50 triệu đồng giúp đỡ cán bộ, nhân viên giúp việc cho ông trong các thời kỳ, đang có hoàn cảnh khó khăn.

Trước lúc đi về với Bác Hồ, đồng chí Trần Trọng Tân còn để lại một bài học về lòng nhân ái bao la, điều mà ông đã học được từ Bác Hồ và nhiều  vị cách mạng tiền bối khác. Thêm điều đó nữa, tấm gương học tập của bác Hai Trần Trọng Tân thật đáng để mọi người ngưỡng mộ và noi theo…

Nguyễn Minh Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo